Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

CÓ MỘT NGÔI TRƯỜNG NHƯ THẾ



                                            (Nhớ về trường Hàm Nghi - Huế)

Ngôi trường điềm đạm giữa ô đất rộng rợp bóng cây xanh, tọa lạc giữa bốn con đường vuông vắn bàn cờ. Tường thành bao quanh, cổ kính rêu mốc màu thời gian, ngăn chia sự tĩnh lặng êm đềm giữa trong ngoài và bốn con đường bao quanh, một sự tĩnh lặng đặc trưng của vùng hoàng thành đế kinh những ngày không còn vua chúa. Bốn cột trụ biểu trước cổng, nhà giảng sách, nhà cư xá giám sinh, bia và những pho tượng đá gợi nhớ một quá khứ xa xưa nào đó, một quá khứ văn hiến với những buổi giảng sách, bình văn. Có cậu giám sinh nào đó nhiều mơ mộng, thả hồn nương cánh bướm chờn vờn theo những chùm hoa mù u trắng trên cao, trong tiết bình thơ đầu xuân lất phất bụi phùn.

Ngôi trường ấy khi tôi học đã có sự đổi thay. Trường không còn các giám sinh, các quan tế tửu, quan tư nghiệp. Chúng tôi, học sinh và các thầy cô giáo, người học và người dạy, thụ hưởng một nền giáo dục mới trong tinh thần tôn sư trọng đạo của chốn thư hương truyền thống. Bây giờ một số thầy đã trở về hư vô, học sinh phần lớn tóc đã bạc trắng. Người còn lại cùng chung một hoài niệm về ngôi trường có nhiều thăng trầm, yểu mệnh.
Nếu Quốc Tử Giám từ Văn Thánh chuyển về năm 1907, đến khi bãi bỏ nền giáo dục Hán học, trường đóng cửa, và thời gian thành lập trường Trung học Hàm Nghi đến khi bị giải thể (1955-1975), thời gian hoạt động giáo dục triển khai tại ngôi trường này chỉ trên dưới 30 năm. Chung cục, cả hai trường đều “bất đắc kỳ tử”.Thế mà với ngôi trường ấy tôi vẫn luôn nhớ về bằng những tình cảm thân thương trìu mến nhất.

Trường tôi học thời ấy có những ông thầy kỳ lạ. Một thầy dạy Pháp văn năm Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) với cách luyện phát âm có một không hai. Học sinh nào cũng bị rơi vào bẫy của thầy khi phát âm “u” trong alphabet tiếng Pháp thành “ou” để bị thầy gõ đầu chọc quê, mua vui cho cả lớp. Mỗi khi ngồi giảng bài thầy hay rung đùi. Một lần, mấy đứa học sinh ngồi bàn đầu cười khúc khích mãi. Thầy gặng hỏi mới biết baguette quần thầy quên cài nút. Thầy nghiêm nghị gọi cả bàn đứng dậy, nói rất nghiêm: “Thầy mở cửa sổ cho mát, cấm nhìn! Chép phạt 100 câu. Mai nộp !”. Rồi thầy cười òa, cả lớp cũng cười òa… Giờ học của thầy rất nghiêm, học sinh không bao giờ có tiếng xì xào. Bỗng một tiếng không đẹp lắm, phát ra rất du dương, bổng trầm, nhịp nhàng như tiếng kèn trompette kéo dài của cậu học sinh nào bụng xấu, chắc sáng nay ăn thứ gì chưa kịp tiêu hóa hết, ấm ức bất bình tắc minh*. Cả lớp ồ lên cười ngặt nghẽo. Thầy đợi một lúc rồi gọi tác giả của cái âm thanh kỳ diệu đó đứng lên. “Tôi không được làm sém ghế nhà trường. Chép phạt 100 câu. Mai nộp!”. Cả lớp lại có một tràng cười khác… Bây giờ thầy không còn nữa. Thầy đã vĩnh viễn ra đi trong một biến cố chiến sự. Những cách ứng xử có vẻ thiếu sư phạm trong hành động nhưng lại rất sư phạm trong việc giải quyết tình huống giáo dục cởi mở, để đời cho học sinh nhớ và thương thầy.

Lớp Đệ Thất năm ấy của tôi còn có một thầy trẻ dạy Văn làm giáo sư hướng dẫn, sáng sáng thầy điểm danh thuộc lòng tên học sinh từ các bạn chữ A đầu tiên đến tên chữ Y cuối cùng, làm học sinh cả lớp cũng thuộc theo. Thầy dạy Hội Họa nói đặc tiếng Quảng “Dzẽa dzẽa gì như con chó bò!”, với yêu cầu ngày nào cũng khám que ngắm của học sinh. Một lần thầy ngồi trên bàn chấm bài, những học sinh đã vẽ xong sớm, mấy cậu xếp hạng thứ ba sau ma quĩ này chui xuống bàn, dám đụng đến “cái của quí ấy” của thầy. Dữ dằn và bốp chát như thầy, chúng cũng không tha. Thế là học sinh cả lớp bị phạt phải đứng im tại chỗ, cười không dám ra hơi để nghe thầy nói một thôi tiếng Quảng.

Năm tôi học Đệ Lục trường tôi có nhiều giáo sư còn trẻ mới ra trường, chuyển về dạy. Lớp tôi có một cô giáo dạy Toán và một thầy giáo dạy Vẽ. Cả đôi xinh như Roméo và Juliette. Sự đời có ngược ngạo thế mà hay. Môn Toán khô khan, trừu tượng phần lớn là ưu thế của phái nam. Môn nghệ thuật tinh tế, nhẹ nhàng phù hợp nhất cho phái nữ. Sở dĩ tôi có suy nghĩ đó lúc bấy giờ là vì cả cô dạy Toán lẫn thầy dạy Vẽ đều còn rất trẻ, rất đẹp và chúng tôi hay ao ước nếu thành một đôi thì đẹp biết bao, cho dù chúng tôi chưa biết gì về tình trạng gia cảnh của thầy cô. Cô dạy Toán có khuôn mặt, dáng điệu và cái nhìn ngước lên rất mignonne.Thầy dạy Vẽ thì hay rụt rè, có phần nhút nhát, nụ cười bẽn lẽn như con gái. Bản thân tôi ngưỡng mộ thầy cô đến độ Toán học không vô, Vẽ thì không bao giờ hoàn thành được bài tập đạt yêu cầu về thời gian và điểm số. Phòng học lớp tôi có nhiều cái cột gỗ, cách dãy phòng lớp Đệ Tứ một cái hiên nhà ngang, có mái che và một nhà để xe cho thầy cô giáo. Những khi cô thầy chuyển tiết, kẻ ra người vào gặp nhau ở hiên hay nhà xe, thì chúng tôi có cơ hội ngắm thần tượng qua khung cửa sổ lớp học. Thầy cười tươi nhưng mặt cứ đỏ lên. Cô thì vẫn liến thoắng, tự tin. Tà áo dài trắng của cô và vạt chemise trắng của thầy sáng lên dưới nắng chiều, bừng cả một góc trường. Mà tôi cũng thường để ý cả thầy dạy Vẽ và cô dạy Toán đều thích trang phục màu trắng hoặc vàng nhạt trẻ trung, lịch sự. Nói ra có vẻ phạm thượng và vô lễ, mong thầy và cô có đọc những dòng này tha thứ cho. Đây là những suy nghĩ và tình cảm thánh thiện đầu đời của tuổi mới lớn về thần tượng của mình.

Năm học Đệ Ngũ, lớp tôi lại có một thầy người Quảng dạy Văn. Thầy nhỏ thó nhưng tính cách cũng rất Quảng. Đệ Ngũ là lớp học chạy, nghĩa là không có một phòng học cố định như các khối lớp khác. Hôm ấy, tiết Văn có thanh tra về dự, lớp tôi được học trong phòng thứ hai dãy Đệ Thất. Học sinh cảm thấy nhột gáy vì nghĩ đến ở dãy bàn cuối, gần mười ánh mắt các quan thanh tra săm soi. Cả lớp im thin thít, chăm chú nhìn thẳng lên bảng đen. Không khí nặng nề. Đến phần giải nghĩa các từ trong bài giảng văn nghị luận, thầy phát vấn “tao đàn” nghĩa là gì? “bi quan” nghĩa là gì? Thường ngày thì cả lớp nhao nhao giơ tay xin phát biểu, nhưng bữa đó không ai dám. Kẹt quá, thầy mới gỡ bí: “Dễ thôi, chắc các em đều đã biết! “Tao đàn” là “tau đờn”. “Bi quan” là viên bi của ông quan… mà không phải quan thanh tra”. Cả lớp cười ồ theo thầy. Không khí lớp học trở lại tự nhiên. Thầy trò tiếp tục tiết học bình thường như các buổi không có thanh tra dự giờ.
Có một thầy dạy lớp tôi năm Đệ Lục môn Lý Hóa nhưng đến Đệ Tứ thì dạy Sử Địa. Môn gì thầy dạy cũng hay. Nhờ thầy, tôi từ một học sinh chán học trở thành giỏi Lý Hóa năm Đệ Lục và say mê Sử Địa cho đến bây giờ. Sau này vào đời, khi trở thành người quản lý giáo dục, trong đợt rà soát bằng cấp để chuyển những giáo viên dạy chéo môn về lại môn được đào tạo, tôi thường phân vân và bị phê bình thiếu dứt khoát. Có tình trạng này, một phần vì do nghiệm lại thành công của thầy tôi xưa kia.
Có một thầy dạy Vạn Vật năm Đệ Tứ tôi không thể nào quên. Thầy là tác giả bộ sách Vạn Vật từ lớp Đệ Thất đến Đệ Tứ. Thầy đến trường bằng ô tô, luôn luôn veston complé. Tiết dạy của thầy thì khỏi phải chê. Vẽ đẹp, nói hay, lưu loát, dẫn dắt bài giảng tuần tự theo từng nét vẽ trên bảng đen và học sinh vẽ theo vào vở. Kiến thức cô đọng, tinh chắc, rõ ràng, học đến đâu, luyện tập thực hành đến đó vì vậy học sinh nhớ cả kiến thức và tranh vẽ minh họa, thuộc bài ngay tại lớp kể cả những bài rất khó nhớ như bài hệ thần kinh. Chỉ là học sinh Đệ Tứ mà chúng tôi đã có kỹ năng thực hành mổ chuột, mổ ếch, mổ cá thành thạo. Dạy như thế mà hầu như là tiết nào thầy cũng có thời gian dành năm bảy phút cuối, kể chuyện cho chúng tôi nghe. Thầy kể chuyện cũng tuyệt vời như giảng bài. Có những chuyện thầy kể nhiều lần theo yêu cầu của học sinh, thế mà nghe vẫn thấy gay cấn, hấp dẫn như mới nghe lần đầu tiên. Đến bây giờ tôi vẫn còn nghe rờn rợn tiếng dép lẹt xẹt, kéo lê bàn chân tàn phế của của một cựu tù binh người Mỹ, duy nhất sống sót trong một lần cùng đồng đội vượt ngục, thoát khỏi trại giam của quân đội Nhật, sau trận thua ở Trân Châu cảng. Mấy năm sau khi chiến tranh kết thúc, một đêm, ông tìm đến đồng đội cũ để hỏi tội người mà ông ta cho là đã phản bội, làm tất cả bạn vượt ngục của ông phải bỏ mạng trước họng súng truy quét của kẻ thù. Tiếng dép lẹt xẹt… lẹt xẹt… khô khốc cứ tiến dần… tiến dần… đến ngôi nhà người phản bội trong một đêm kinh hoàng… Thầy có một thói quen là giảng bài một hồi thì đưa tay trái lên miệng, dùng ngón trỏ và ngón cái chùi vết dãi đọng trắng hai khóe môi. Thầy vui nhưng ít khi cười vì thế học sinh thương thầy mà ít gần.
Có một thầy dạy Toán có trí nhớ tuyệt vời. Sau kỳ thi lục cá nguyệt, bài thi chưa đến tiết trả, gặp thầy ngoài sân, học sinh bu lại hỏi điểm. Thầy trả lời điểm từng học sinh mà không cần hỏi tên từng em, vì thầy không những nhớ điểm mà nhớ cả tên từng học sinh. Một thầy dạy Văn làm giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Tứ để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Thầy có nhiều cách khai thác một tiết học nên học sinh không có nếp rập khuôn khi thâm nhập một bài văn. Đây cũng là phương pháp tạo cảm giác mới mẻ trong từng tiết học. Có những tiết thầy chỉ ngồi đọc cho học sinh chép những bài giảng bình tác phẩm và thầy bảo học sinh có thể vận dụng cấu trúc này để viết những bài luận văn hay các tiểu phẩm phân tích, giảng bình thơ văn. Tôi rất thích những bài này và đọc đi đọc lại nhiều lần. Sau này trở thành một giáo viên dạy Văn, tôi thường vận dụng cách phân tích này. Học sinh tiếp thu dễ dàng và rất thích thú.
Trường tôi học là một trường mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu ra lớp của học sinh tăng mạnh sau khi chiến tranh kết thúc. Đến tôi là khóa thứ ba (hoặc 4 ?) tuyển vào 225 học sinh phân thành 5 lớp Đệ Thất. Lớp tôi là lớp thứ tư thường bị chọc quê là “thất bê bối” (7B4). Phòng học là dãy cư xá 9 phòng của giám sinh xưa, cứ 2 phòng gần nhau thì đập bỏ vách ngăn giữa để ghép thành 4 phòng học, còn dư một phòng nhỏ sau lớp tôi. Phòng học vì thế có 2 cửa vào, cửa trên là cửa chính, cửa dưới, ngang hông dãy bàn học sinh để cho những học sinh hay mơ mộng, lơ đảng như tôi nhìn trời mây, chim chóc, cây cối ngoài sân. Hành lang trước lớp rộng, lại thiết kế cửa vòm nên bên trong lớp thường thiếu ánh sáng. Học sinh sau chiến tranh thì nhiều độ tuổi. Những học sinh gốc gác thành phố chỉ cỡ 11-12 tuổi, nhưng những cu cậu ở nông thôn đã đến 18-19, phải làm mới “chứng chỉ thế vì khai sinh” hạ tuổi để đủ điều kiện vào trường. Thầy dạy thì không đồng bộ, có thầy đã đến tuổi nghỉ hưu, có thầy là quân đội xuất ngũ, có thầy chính ngạch cũng có thầy thỉnh giảng và chắc ngày đó, nếu có một ông bộ trưởng giáo dục như hôm nay, yêu cầu kiểm tra bằng cấp và trình độ đào tạo thì khối thầy phải về vườn. Thế mà ai dám bảo ngôi trường đó không chất lượng bằng những ngôi trường chuẩn, với đội ngũ giáo viên bằng cấp đầy mình như hôm nay. Thế mới biết giá trị thực không phải và cũng chẳng cần tâng bốc, đề cao. Người ta tâng bốc, đề cao chỉ để lấp liếm thực chất còn bất cập của mình.
Trường đó còn nhiều thầy cô trở thành gương sáng tôi mãi noi theo trong suốt quá trình tôi là một thầy giáo. Dấu ấn của ngôi trường và các thầy lên cuộc đời tôi thật sâu đậm. Tôi đã trải qua nhiều trường lớp trong đời sống học đường nhưng nhớ nhiều nhất là ngôi trường Hàm Nghi cổ kính. Có lẽ thời gian theo học ở trường là giai đoạn để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất về đời học trò.

25 nhận xét:

  1. Bác Ugno ạ. Em là HS 7 năm của trường Hàm Nghi ( 1963-1970) từ đệ thất lên đệ nhất luôn. Bác VB cũng học đó 4 năm ( đệ nhất cấp) rồi sang Quốc Học thì phải. Một trời kỷ niệm. Cám ơn bác đã kể những kỷ niệm đời học sinh khó quên, gợi ý cho em sẽ kể tiếp. Chúc bác luôn vui khỏe, tươi trẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài này viết cho Đặc San Hàm Nghi năm ngoái. Luôn bài năm nay "Tươi như hoa" đăng một cặp luôn thể. Té ra Cụ là đàn em của tui. Gặp Anh phải ngã mũ chào chứ! Đúng là một cặp Cụ-Anh.

      Xóa
  2. TRƯỜNG TRUNG HỌC HÀM NGHI HUẾ, NẰM TRONG KHUÔN VIÊN TRƯỜNG QUỐC TỬ GIÁM CŨ NÊN TRÔNG THẬT CỔ KÍNH OAI NGHIÊM!

    Trả lờiXóa
  3. NHÀ BẢO TÀNG HUẾ VÀ TRƯỜNG QUỐC GIA ÂM NHẠC HUẾ (GẦN TRƯỜNG TRUNG HỌC HÀM NGH) LÀ NƠI HỌC SINH QUỐC HỌC NHƯ TỤI TUI HỒI ĐÓ ( TRƯỚC 1975) CHỈ BIẾT "KÍNH NHI VIỄN CHI" MÀ THÔI

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà Bảo tàng Khải Định sau trường Quốc tử giám (Hàm Nghi)
      , Trường Quốc gia âm nhạc và Trường Mỹ Thuật học trong Đại Nội

      Xóa
  4. Bộ nhớ của anh thật tuyệt vời! Nhớ đến từng chi tiết của một thời xa xưa cách đây 5,6 chục năm. Ngôi trường đó tui cũng đã từng ước mơ vào học( vì gần trường TQT) nhưng cuối cùng bị đẩy lên chi nhánh của Hàm Nghi ở Tây Lộc ( Thầy Hoàng Ái, đi xe Vespa, làm phụ trách). Chừ thì trường đó trở thành trường Hàm Nghi mà trường Hàm Nghị cũ thì đã biến dạng thành cái bảo tàng chiến tranh với nhưng súng ống, xe tăng, máy bay rỉ sét...nằm phơi nắng trước sân. Bên trong trường các lớp học chừ thành chỗ trưng bày các mô hình của người chiến thắng...Hết rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy năm trước, một lần về Huế gặp lụt, cùng một người bạn ghé thăm trường khi Huế đang lụt, Ugno có mấy câu cảm tác sự việc ni khi đứng nhìn cái bia Quốc Tử Giám (Chỗ sân chào cờ cũ) thế này:
      "Tráo trơ bia đá giữa trời
      Ngàn năm chưa dễ ! ... Miệng người trăm năm
      Bút nghiên nhường chỗ kiếm cung
      Ngẫm xem trong đục mấy dòng Hương Giang"
      Mình viết một tùy bút đăng trong Tập San Hàm Nghi năm đó, đến bây giờ vẫn chưa tìm ra được từ đắc ý thay cho từ "Nhừơng chỗ".

      Xóa
  5. Hiền Mai qua thăm. Chúc mừng anh Ugno về bài viết đầy cảm xúc và cả trí nhớ tốt nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kính chào khách quí.
      Qua hai bài về trường Hàm Nghi này chắc cô giáo HM phạt thằng học trò nghịch ngợm Ugno quỳ xơ mít cũng chưa "đã nư"
      Có hiểu "đã nư" nghĩa là chi thì hỏi Rhum.

      Xóa
    2. Từ này em hay sử dụng lắm, không cần phải hỏi Rhum đâu anh Ugno ơi!

      Xóa
  6. Rhum xuống Tigon ngồi thiền rồi! Hiền Mai xống đó gặp Ủy ban khuyến nông quốc tế chi nhánh Việt Nam (UGNO.VN )luôn, nghe UGNO.VN nói chuyện tiếu lâm vui lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện tiếu lâm về mấy ông giáo của anh Ugno viết lúc còn bên blogYahoo, Hiền Mai đã hết rồi Rhum ơi nên không đến Tigon đâu.

      Xóa
  7. Đọc bài của anh mà thấy thời anh đi học thật hạnh phúc, không như học sinh bây giờ, cả thời HD là học sinh nữa, khó tìm được không khí như vậy ở trường lớp ...
    Chúc anh cuối tuần vui nhiều!

    Trả lờiXóa
  8. Ugno huynh ơi! Anh có khỏe không? DQV qua thăm anh nè! Đã sang tháng 11 rồi, bỗng nhiên Hiền Mai nhớ lại một thời đứng trên bục giảng ở xứ sở đất đỏ ba dan mưa lầy nắng bụi quá!
    Bao giờ trở lại ngày xưa?
    Cho tôi tìm lại cơn mưa rừng chiều...
    Giấu trong ký ức bao điều,
    Chỉ riêng mình biết dấu yêu một thời!
    Thỉnh thoảng nhớ qua thăm Hiền Mai, Ugno huynh nhé! Chúc anh và gia đình vui khỏe. Cho HM kính lời thăm anh Phan Cư.

    Trả lờiXóa
  9. Anh Ugno có khỏe không? DQV sang thăm anh đây. Chúc anh tìm lại được những kỷ niệm vui buồn ngày còn gõ đầu trẻ nhân ngày 20/11 gần kề.

    Trả lờiXóa
  10. 20.11 rồi, qua thăm a Ugno mờ răng thấy nhà cửa trống vắng ri.
    Ngày ni cs chúc a vui thiệt là vui nghe

    Trả lờiXóa
  11. Ngày 20/11, DQV chúc anh Ugno sức khỏe và niềm vui.

    Trả lờiXóa
  12. DQV qua thăm anh Ugno. Kính chúc anh và gia đình bình an trong cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  13. Rào kia chia gốc mần hai
    Vẫn không ngăn được trúc mai giao cành!

    Huynh Unho sửa lại cái hàng rào cho mấy cái cây nó ở chung 1 nhà cho rồi. (Hì hì...cs đùa thôi)
    Chúc a vui vui.

    Trả lờiXóa
  14. Cốc... Cốc... Cốc... Muội đến đây Ungo huynh ơi!
    Muội chúc hiền huynh cùng gia quyến một năm mới Giáp Ngọ 2014 sức khỏe, bình an và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  15. Anh Ugno cứ ẩn dật hoài! Đi dạo một vòng thăm bà con blogger đi Ugno huynh ơi!

    Trả lờiXóa
  16. DQV rất buồn khi đứng trước ngôi nhà đóng cửa của anh Ugno và vài người bạn khác. Vì sao mọi người từ bỏ blog vậy?

    Trả lờiXóa
  17. Huynh bỏ blog thật rồi! Muội cầu mong Ugno huynh bình an nơi đó

    Trả lờiXóa
  18. Qua thăm không thấy bài mới,anh đi đâu zồi hả anh?Thời anh học ở Hàm Nghi chắc cùng lớp với anh họ của tôi là Trần Văn Biên (mà tôi hay gọi là Biên Tồ ).Thân mến

    Trả lờiXóa
  19. Lâu quá rồi mới vào được đây. Nhiều bạn hỏi thăm chủ nhân này. Chữ viết, trang in không tình cảm quá. Lâu quá rồi biết nói sao đây.

    Trả lờiXóa