Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

MÙA THI



Mỗi lần nhìn hoa phượng nhuộm đỏ nắng hè thì bất chợt trong tôi hiện lại ký ức mùa thi với tiếng ve râm rang trên các vòm xanh theo các con đường Thành Nội, trong vườn nhà, trong sân trường thưa  vắng bước chân học trò. Trường chưa vào nghỉ hè mà các lớp cuối cấp cứ thưa dần học sinh. Các sỹ tử vùi đầu vào trang sách, ngày đêm lẩm nhẩm như đọc kinh nhật tụng. Bàn học về khuya còn chong đèn. Cái đồng hồ bàn hiệu con gà để chậm 2, 3 giờ cứ tích tắc “đánh lừa” thị giác. Các cột điện đường trên cầu Đông Ba, cầu Gia Hội, cầu Trường Tiền trở thành nơi tụ hội về khuya của các “nhóm văn nhân” học hành lăng nhăng. Mấy o bán chè khuya về, chưa hết gánh tạt ngang mời mọc và ghé lại vui vẻ bán hàng, đôi khi chẳng cần tiền trả. Tất cả hẹn lại về sau!... Mọi sở thích, vui chơi đều gác lại. Đến tập tiểu tuyết, tạp chí ưa thích cũng chỉ nhìn qua trang bìa rồi gấp lại thật nhanh. Và câu thơ chợt đến thì…Thôi ! Cứ ngâm nga như Xuân Diệu; “…Mùa thi đã đến em thơ/ Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau” cho xong môt bần thần tiếc nuối.
Thành phố của tôi có vẻ như chậm lại mọi hoạt động trong mùa thi. Phố chiều ít người dạo phố. Cái thú “đi nghễ” của nam thanh nữ tú kinh kỳ vơi bớt cường độ. Mọi nhà dù có con cháu đi thi hay không cũng như cùng đều chia sẻ niềm háo hức khoa cử. Đại Nội im vắng là nơi ôn tập lý tưởng nhưng tuyệt nhiên không có bóng hồng. Các nàng “sợ ma” hổng dám! Mấy cậu thì cũng phải năm ba chàng mới dám vào chiếm lĩnh các gốc cổ thụ để cầm sách đi quanh, lẩm nhẩm như phù thủy đọc phù chú yểm bùa.
Thời tôi đi thi đã không còn lều chõng mà tôi cứ nhớ mãi câu thơ của Trần Tế Xương: “Tấp tểnh người đi tớ cũng đi/ Cũng lều cũng chõng cũng đi thi…”. Và tôi cứ nghêu ngao câu đó đến ngày cùng bè bạn chen chúc tại trường thi dò số ký danh, phòng thi với nhiều hồi hộp, vui buồn.
Vào trường thi, hạnh phúc cho cô cậu nào được thi tại ngôi trường mình học. Mà cũng vui khi được ngồi cùng bàn với cả những nữ sinh. Kiểu này mà bí bài không đáp ứng những ánh mắt e thẹn cầu cứu của nương nương thì có nước độn thổ cho xong. Cũng thật buồn khi phải ngồi cạnh mấy ông thí sinh tự do là lính tráng đi thi, không khéo cho mấy đấng quây cóp thì bị phá hỏng mất bài không chừng. Một mớ kiến thức ngập tràn trong mấy bộ sách giáo khoa lọc lại chỉ trong từng mấy câu hỏi, bài tập kiểm tra. “Tủ” kê có đúng chỗ không? Trật “tủ” thì coi như đi đong. Nỗi buồn “ai đem vỏ chuối liệng sân nhà trường” chàng ta cứ ca cẩm mãi. Đó là cảm tưởng chung của mấy chàng học hành lơ mơ với điệp khúc: “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín/Thi không ngậm ớt thế mà cay (thơ Trần Tế Xương), và đành thực hiện phương châm: “Hỏng Tú Tài anh đi Trung sỹ/ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con/ Bao giờ yên phận nước non/ Anh về anh có Mỹ con anh bồng”.
Không như ngày nay chỉ thi một số môn theo lịch thi của Bộ  Giáo Dục qui định từng năm. Thời ấy, học môn gì thi môn đó. Có học thì có thi kể cả các môn thể dục, nghệ thuật thi nhiệm ý (Thi đạt thì cọng thêm điểm, không thi thì thôi, không bắt buộc). Có môn chính hệ số cao, môn phụ hệ số nhỏ. Tôi học ban B chỉ cần Toán, Lý, Hóa chắc ăn là cầm chắc phần đỗ. Mấy nàng ban A “tụng” hết cuốn Vạn Vật gần nửa ngàn trang sách thì thế nào cũng chứng được “Sa di”. Mấy cô cậu ban C thì đãng đênh như triết nhân bất cần đời thế là đúng gu của “thí sinh cập đệ”. Cái buổi chiều thi môn cuối cùng nhẹ tênh như mây trắng bồng bềnh trên bầu trời xanh màu nước sông Hương. Ai đó đạp xe vội qua  cầu, dựng một nơi nào đó rồi cùng nhau bát bộ mấy vòng trên phố. Ngang góc đường Phan Bội Châu, đường Trần Hưng Đạo, hãy ghé mắt nhìn vào tiệm ảnh La Cảnh Lưu xem mấy dung nhan ghi hình kỷ niệm; lên nữa, liếc mắt vào tiệm sách Tân Hoa ngắm mấy cô con gái đẹp của ông chủ quán; lên ngang rạp chiếu phim Tân Tân, ghé lại xem chương trình phim mới. Mùi cà phê rang của tiệm cà phê Phấn, cà phê Lạc Sơn tỏa khắp phố như một chiêu níu chân người quay đến. Dừng lại, vào nhà sách Ưng Hạ, giả bộ tìm vài cuốn sách để nhìn chị Ry bán hàng tươi cười, thoăn thoắt bao sách,  trao cho người mua. Đôi tay nhỏ nhắn, xinh xinh… Nốt ruồi duyên…
Ngày treo bảng kẻ vui người buồn. Người đỗ nhận “chứng chỉ tốt nghiệp tạm thời” do chủ tịch Hội đồng khảo thí  ký cấp để chuẩn bị cho các kỳ thi tiếp theo vào các trường ngành nghề. Người hỏng lui về lo “cày” tiếp mấy pho sách cho kỳ hai. Lại cũng còn không khí mùa thi!...Chỉ đến khi nào dứt tiếng ve, phượng đã nhường cành cho lá non và những trái xanh lủng lẳng, thì các sỹ tử cũng đã yên bề bến đổ. Cánh cửa Đại học Văn khoa, Khoa học, Luật khoa rộng mở là điểm đến cho các cô cậu Tú đôi không chen chân được vào các trường chuyên nghiệp để rồi một hai năm làm kiếp sinh viên hờ trước khi bước tiếp vào ngành nghề hay vào binh nghiệp.
Những ngày thi, không khí thành phố nhộn nhịp bao nhiêu thì những ngày cuối hè thoáng đượm bao vẻ chia ly như những con tàu rời bến. Người đi xa, kẻ vào nghề, người tạm biệt phố phường “xếp áo thư sinh vui bước đăng trình mười tám tròn trăng”, tạm biệt bạn bè, chia tay tuổi học trò về nơi chốn mới. Ai cũng thấy mình lớn lên thì cũng thấy được mình  đã mất thời tuổi hoa bướm. Tôi có người bạn thơ ấu cùng ở xóm quê. Sau ngày đình chiến 1954, NĐĐ.(tên người bạn) mới ra lớp ở trường làng. Lên phố, Đ. học sau tôi mấy lớp. Năm học Đệ Nhất, thành phố biến động, Đ. bị bắt vào nhà lao. Đ. tự học trong tù và ngày thi có hai cai tù áp giải ra trường thi. Thế mà Đ. cũng đỗ tốt nghiệp và tiếp tục…ở tù. Ngày “Tổng tiến công Mậu Thân”, từ nhà lao Đ. được thoát ly ra rừng. Sau 1975 về lại thành phố, Đ. trở thành cán bộ. Gặp lại tôi, Đ. thường kể lại những kỷ niệm về mái trường và mùa thi. Con người cách mạng của anh như mềm hơn với những ký ức sân trường và mùa thi đi ra từ nhà tù. Hạnh phúc cho ai  có một thời hoa bướm đi mãi theo cuộc đời để một lần nhớ lại, nở trên môi nụ cười tiếc nuối. Bạn ấy giờ đã thành người tàn phế sau một cơn tai biến mạch máu não. Nhà anh gần trường cũ, thường ngày anh vẫn ngồi xe lăn nhìn học sinh tung tăng đến lớp. Chắc anh cũng nghĩ đến ngày xưa, trên con đường này, anh đã cất bước xiềng xích tiến vào trường thi.
Tất cả đã xa rồi…
 (Đã dăng Tập san HNYD 12  -  60 NĂM HÀM NGHI HUẾ
1955 - 2015  NXB. THANH NIÊN)

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015



TIẾNG CHUÔNG CHÙA

Văn chung thinh.
Phiền não khinh
Trí huệ trưởng
Bồ đề sinh

Tôi không nhớ bài kệ đó tôi đọc ở đâu, nhưng mỗi lần nghe tiếng chuông chùa, những câu kệ hiện về và tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại. Tiếng chuông làm nhẹ bớt phiền não, trí huệ sáng hơn và tâm hồn thêm chứng ngộ.
Tiếng chuông làm cho con người đi vào chánh niệm, thức tỉnh. Giữa không gian mênh mông, tiếng chuông ngân nga ru vào hồn ta, gột bỏ những lo toan, để lại những những dư âm thiền vị. Tiếng chuông  như xua tan mọi phiền muộn, toan tính, đưa ta về chốn hư không nào đó chỉ còn tiếng chuông và … tiếng chuông: tiếng chuông mang tính thức chúng
Một ngôi chùa ở chốn thâm u, tiếng đại hồng chung hai kỳ triêu mộ  trở nên quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Đêm khuya về sáng, tiếng chuông thức tỉnh mọi người. Chiều tối trăng lên, tiếng chuông lắng đọng hồn người. Tiếng chuông là cuộc sống, là hồn quê gắn bó với bao buồn vui hạnh ngộ.

Vào thơ nhạc, người yêu thơ không ai không biết bài thơ dân gian về Hà Nội với tiếng chuông chùa:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Cảnh cành trúc gió đưa la đà bên gương  nước Hồ Tây và thanh âm tiếng chuông, canh gà, nhịp chày… một bức tranh Thăng Long-Hà Nội được vẽ lại vượt quá nét chấm phá với những địa danh chùa Trấn  Vũ, huyện Thọ Xương, làng Yên Thái… Một Thăng Long-Hà Nội đẹp, trữ tình, gợi cảm. Nếu có “ý tại ngôn ngoại” chăng thì chỉ tìm trong cảnh “Mịt  mù khói tỏa ngàn sương”. Thế nhưng nghe tiếng chuông chùa Trấn Vũ mà còn thấy “mịt mù khói tỏa” thì phải chăng tính thức chúng của tiếng chuông chùa chỉ lẩn khuất? Tiếng chuông ở đây cũng chỉ là một âm thanh miêu tả bên cạnh những chi tiết khác. Cảm nhận thiền vị  và mức lay động của tiếng chuông chùa dường như thiếu đi phần nào.

Ta hãy đọc bài thơ Ngự chế “Thiên Mụ chung thanh” của  vua Thiệu Trị:
Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên
Nguyệt tướng thường viên, tự tại thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tĩnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích, Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân phúc quá phổ cai diên

Bản dịch thơ cũa Vĩnh Cao:
Tiếng chuông Thiên Mụ
Gò cao chùa cổ trấn dòng trong
Như ánh trăng rằm rạng cõi không
Trăm tám tiếng  kình tiêu oán kết
Ba nghìn cõi tục lắng tơ lòng
Trưa vang văng vẳng u minh cảm
Sáng vọng ngân nga đạo vị nồng
Dấu Phật công Thần vang bốn bể
Nhân lành quả phúc khắp non sông
(Nguồn: Tạp chí Liễu Quán số 2, tháng 5/2014)
Tiếng chuông làm tiêu oán kết, lắng tơ lòng, cảm đến cõi u minh, ngân nga mùi thiền vị đạo. Tiếng chuông Thiên Mụ gia trì  thức chúng làm vơi phiền não, khai mở trí huệ, thức tỉnh tâm hồn.

Tiếng chuông chùa Từ Đàm-Huế, nơi uy nghiêm phát nguồn ánh đạo vàng, nhẹ rung trong mùa pháp nạn, gợi hồn tổ tiên kiêu hùng muôn đời nâng bước chân con dân thần kinh bảo vệ Chánh pháp:
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…
(Trích Từ Đàm quê hương tôi, nhạc Văn Giảng)
Giai điệu nhạc nhẹ nhàng, trầm hùng, sâu lắng như tiếng chuông chiều ngân nga, lan tỏa đại hùng, đại lực Phật nơi quê hương thần kinh. Dù ai xa mấy, tiếng chuông vẫn còn vang vọng cõi lòng.

Làng thơ Việt còn truyền nhau giai thoại về bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế, một thi nhân nổi tiếng đời Đường-Trung  Hoa:
Nguyêt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Bản dịch thơ của Tản Đà:
Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Giai thoại kể rằng: Trương Kế đậu thuyền ở bến Phong Kiều, xúc cảnh đêm trăng bên ánh đèn ngư hỏa và hàng phong ven sông, trên không vẳng lên tiếng quạ kêu sương vọng lại, ông ngâm hai câu thơ đầu rồi tắc tị kiếm mãi không ra tứ thơ. Lúc ấy trên chùa Hàn Sơn, nhà sư xúc cảnh đêm trăng mông lung huyền ảo, ngâm hai câu thơ rồi cũng tắc tị không kiếm ra tứ để ngâm tiếp. Một chú tiểu xúc cảnh đêm trăng, không ngủ được, đến bên thầy và cùng thầy ngâm tiếp hai câu thơ sau. Hai thầy trò hoàn thành bài thơ. Sư cụ cho gióng hồi chuông, thành kính tạ ơn Trời Phật. Tiếng chuông vọng đến thuyền, Trương Kế khởi tứ thơ ngâm tiếp hai câu thơ sau.

Bài thơ của sư cụ và chú tiếu như sau:
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu, bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để, bán phù không.

Bản dịch thơ của Trần Trọng San:
Mồng ba, mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không.
(Nguồn: Thơ Đường, Trần Trọng San)

Ra ngoài đời, quê tôi phía bắc cố đô, cách Huế không xa. Thuở ấy chưa mọc lên những công trình xây dựng qui mô, bề thế, đêm đêm tiếng chuông Thiên Mụ ngân vang, vượt màn sương ru hồn và thức tỉnh cậu bé quê. Tiếng chuông ngân bên tiếng gà gáy sáng và đôi khi còn có tiếng đại bác ru đêm.  Nghe tiếng chuông và lời niệm Quán Thế Âm của bà tôi, mọi nỗi sợ như được xua tan. Âm thanh ấy theo mãi  đời tôi. Đến bây giờ, tai tôi không còn rung lên tiếng chuông nhưng trong hồn, tôi vẫn còn nghe vang vọng tiếng chuông khuya và lời niệm của bà. Phật âm và Phật quang diệu kỳ còn ngân vang và chiếu sáng hồn tôi. Đêm, một lần về quê, tôi không còn nghe rõ hồi chuông Thiên Mụ. Thay vào, tiếng chuông chùa quê  gần gũi, dung dị giữa khuya là tiếng quê hương tỉnh thức tôi sau bao bước bôn ba  kiếm sống. Sau lũy tre làng, hồn quê trở về với tôi theo tiếng chuông, thứ mà tôi từ lâu tưởng như đã không còn. Tôi thấy lại bóng Phật-đà diệu kỳ trên hương án và trong hồn mình.
Đảnh lễ Phật trong các khóa trì tụng, tôi nghe tiếng mõ giữ nhịp đều đều, chen vào là những tiếng chuông tỉnh thức kéo tôi khỏi các vọng niệm và định tâm theo tiếng kinh và tay lần tràng hạt của chư thầy. Thỉnh một hồi chuông trước Phật đài, nén nhang tỏa hương đến ba ngàn thế giới Phật và thấy Phật hiện về bên mình. Nhưng nơi tôi sống bây giờ, tiếng đại hồng chung tôi cố lắng nghe mỗi khuya dường như không còn được chùa gióng lên nữa trong thành phố này.
Ôi thiêng liêng và tiếc quá tiếng chuông chùa!
(Đã đăng Tạp chí Văn Hóa Phật  Giáo số 227
           Ngày 15/6/2015  Phật lịch 2559)