Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Đọc TÂM THÀNH LỄ BẠC



Đ ọc   TÂM THÀNH LỄ BẠC

Cầm tên tay tập bản thảo “TÂM THÀNH LỄ BẠC” tôi nghĩ ra ý định của tác giả NGUYỄN PHÚC VĨNH BA khi cho ra mắt những đứa con tinh thần của mình. Đọc vào lời nói đầu tôi càng kính trọng tác giả hơn về thái độ khiêm tốn, cầu thị nhưng đầy trách nhiệm với văn hóa, lịch sử nước nhà. Tập sách qui tụ những bài viết của tác giả đã từng công bố trên các tập san, tạp chí trong nước từ nhiều năm nay. Có người cho rằng những loại văn cổ này không còn phù hợp với  xã hội ngày nay. Nhiều người sử dụng loại văn này chỉ có tính cách mua vui hay vào các mục đích đả kích, châm biếm. Các tiểu phẩm hài trên báo viết hay trên các trang của cộng đồng mạng, ngoài việc tạo tiếng cười cho độc giả từ nội dung bài viết, các tác giả còn có dụng ý sử dụng thế loại văn cổ như là một thứ tiếng nói bông lơn. Đối với tác giả “TÂM THÀNH LỄ BẠC” thì khác. “Các thể thơ ca cổ điển này có một sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ”, đó là “những viên ngọc quí trong nền văn học nước nhà”  nên  “còn ngồi đục đẽo mấy bài thơ theo cái xưa” để “tiếp gót các tiền nhân”. Một cách ôn cố tri tân đáng khâm phục !


Tập sách tập hợp 16 bài viết theo dạng thể phú Nôm Đường luật gồm 1 bài cáo, 1 bài hịch. 2 văn bia, 8 văn tế, 3 bài phú và 1 điếu văn.. Các bài viết trang trọng, chỉnh tề đúng vần luật, đọc qua một lần nghe nhạc điệu biền ngẫu râm rang hùng tráng, đọc lại thấy tư tưởng phấn chấn rộn ràng như những hồi kèn xung trận. Thật là một dụng công hiếm có. Nhiều vấn đề được gợi lên cho người đọc nhưng nổi bật vẫn xoáy vào tình cảm thiêng thiêng của người Việt Nam với dân, với nước, thứ tình cảm cao quí muôn đời làm trường tồn quốc gia, giống nòi.


Tác giả đứng trên các sai biệt để nhìn nhận những sự kiện, những nhân vật lịch sử trong ý thức nhân bản, khai phóng. Những tranh cãi lịch sử dành lại cho thời gian thẩm định. Công, tội như gió thoảng qua. Bầu trời sẽ xanh trong khi lặng gió.


 Với một Cha cố Thiên Chúa giáo đến tự trời tây, suốt đời “Vâng ý Chúa, đội mát vành gai”“mến yêu sông núi , đất quê người…” thì cái cao đẹp nhân bản đã vượt trên mọi vô ngại sai biệt nhị nguyên:


“Người không Việt, xương chôn đất Việt, tình mênh mông ôm ấp cả nhân quần; Gốc từ Âu thân biệt trời Âu, nghĩa sâu đậm chói lòa bao khí tiết”


(Văn bia  Cố Cả Léopold M. Cadière)


Với Phạm Quỳnh, một nhân vật lịch sử có nhiều đánh giá khác nhau chưa ngã ngũ, thì đây là tấm phiếu của tác giả :


“Ý chí ấy, nhân cách ấy, đời trăm năm dễ có được ru!; Công lao này, sự nghiệp này, sách vạn chữ khó mà kể xiết!”


Và  thái độ của tác giả:


“Ngậm ngùi nhớ bậc hùng tài; Xót xa khóc người đã khuất”


(Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm tiên sinh)


Trước cảnh  “thiên tai quá quắt” lại “cộng thêm nhân tai” ,“sơn tặc”, “thủy tặc”, ngòi bút tác giả không ngại ngùng vạch mặt:


“Thủy điện chen thủy lợi, qui hoạch rối bời; Lâm khấu phá lâm viên, tung hoành ngang dọc”


(Hịch cứu tế lương dân bị lũ lụt)


Sự kiện cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, nhiều cây viết còn ngại ngần, né tránh. Thế mà tác giả lại khẳng khái tuyên bố:


“Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi; Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi”


Người chiến sĩ Hoàng Sa được vẽ lên trong khung cảnh biển nước mênh mông với những hy sinh và ý chí sắt son thật đẹp và kiêu hùng:


“Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan; Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái.”


Và tác giả đã thay lời nói hộ mấy mươi triệu con dân đất Việt về sự hy sinh anh dũng của các anh:


“Tổ quốc thề không quên; Toàn dân nguyền nhớ mãi”


(Văn tế 74 tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa)


Cái khó mà hay của thể phú Đường luật là chặt chẽ về bố cục, vần, đối. Cả bài phú chỉ một vần kết nối toàn bài văn. Những cặp câu tứ tự, bát tự, song quan, cách cú, gối hạc xen kẽ, đối nhau hoàn chỉnh trong một liên gồm 2 vế, có tiếng vần ở cuối vế sau, làm thành những cặp câu biền ngẫu kết dính thanh âm, đọc lên nghe hùng hồn, lôi cuốn. Cái ưu điểm này nếu tận dụng một cách máy móc, kẻ non tay dễ biến thành khuyết điểm. Bài nào cũng giọng điệu ấy mà không sáng tạo, lồng ghép đan xen dễ gây nhàm chán. Nhiều người cho bài “Văn tế tướng sĩ trận vong” viết theo lối phú Nôm Đường luật của Nguyễn Văn Thành  là “một áng văn chương tuyệt bút…”, “lời đáng ghi vào vàng đá truyền đến muôn đời…” (Phạm Quỳnh), (trích lại của Dương Quảng Hàm và Lê Đình Sử); “…đạt đến mức độ tối cao của nghề phú”, “tựu trung, câu gối hạc vẫn chiếm đa số vì ấy là loại câu tả rõ được cái nhạc điệu phức tạp của sự vật, cái lẩn lút của tâm linh” (Phạm Văn Diêu – Văn học Việt Nam, Tân Việt Sài Gòn xuất bản 1960, trang 741). Ở trong bài phú đó cái công thức bố cục, ngôn từ; các kiểu câu, kết liên; sự đa dạng đến khó phân biệt rạch ròi song quan, cách cú, gối hạc… trong mỗi liên; đặc biệt là nhiều câu dài nghe nhẹ nhàng, uyển chuyển làm dịu đi những âm thanh khô khốc của các liên tứ tự, song quan.


Đọc “TÂM THÀNH LỄ BẠC” của NGUYỄN PHÚC VĨNH BA, cái hào sảng đong đầy từng câu chữ khơi dậy hào khí dân tộc qua những thăng trầm lịch sử; cái thiết tha, sâu lắng ẩn hiện trong từng  góc nhìn gợi bao niềm xúc cảm từ tình yêu sông núi thiêng liêng đến những quan hệ đời thường gắn bó. Một tập sách như thế  xuất hiện trong giai đoạn “cái học nhà nho đã hỏng rồi” từ đã hơn trăm năm nay quả là một việc làm gần như “đội đá vá trời” cần được nhìn nhận như một cống hiến đáng trân trọng, cổ xúy.



3 nhận xét:

  1. ĐGD sang thăm. Chúc anh Ugno luôn vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Ugno cũng từ bỏ blogspot rồi!

    Trả lờiXóa
  3. DQV ghé thăm nhà anh Ugno.Vn cảm thấy buồn man mác vì lối đi rêu phong còn khung cảnh vắng lặng như tờ. Làm sao khôi phục lại blogspot này đây?

    Trả lờiXóa