Mỗi lần nhìn hoa phượng nhuộm đỏ nắng hè thì bất chợt
trong tôi hiện lại ký ức mùa thi với tiếng ve râm rang trên các vòm xanh theo
các con đường Thành Nội, trong vườn nhà, trong sân trường thưa vắng bước chân học trò. Trường chưa vào nghỉ
hè mà các lớp cuối cấp cứ thưa dần học sinh. Các sỹ tử vùi đầu vào trang sách,
ngày đêm lẩm nhẩm như đọc kinh nhật tụng. Bàn học về khuya còn chong đèn. Cái
đồng hồ bàn hiệu con gà để chậm 2, 3 giờ cứ tích tắc “đánh lừa” thị giác. Các
cột điện đường trên cầu Đông Ba, cầu Gia Hội, cầu Trường Tiền trở thành nơi tụ
hội về khuya của các “nhóm văn nhân” học hành lăng nhăng. Mấy o bán chè khuya
về, chưa hết gánh tạt ngang mời mọc và ghé lại vui vẻ bán hàng, đôi khi chẳng
cần tiền trả. Tất cả hẹn lại về sau!... Mọi sở thích, vui chơi đều gác lại. Đến
tập tiểu tuyết, tạp chí ưa thích cũng chỉ nhìn qua trang bìa rồi gấp lại thật
nhanh. Và câu thơ chợt đến thì…Thôi ! Cứ ngâm nga như Xuân Diệu; “…Mùa thi đã
đến em thơ/ Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau” cho xong môt bần thần tiếc nuối.
Thành phố của tôi có vẻ như chậm lại mọi hoạt động
trong mùa thi. Phố chiều ít người dạo phố. Cái thú “đi nghễ” của nam thanh nữ
tú kinh kỳ vơi bớt cường độ. Mọi nhà dù có con cháu đi thi hay không cũng như
cùng đều chia sẻ niềm háo hức khoa cử. Đại Nội im vắng là nơi ôn tập lý tưởng
nhưng tuyệt nhiên không có bóng hồng. Các nàng “sợ ma” hổng dám! Mấy cậu thì
cũng phải năm ba chàng mới dám vào chiếm lĩnh các gốc cổ thụ để cầm sách đi
quanh, lẩm nhẩm như phù thủy đọc phù chú yểm bùa.
Thời tôi đi thi đã không còn lều chõng mà tôi cứ nhớ
mãi câu thơ của Trần Tế Xương: “Tấp tểnh
người đi tớ cũng đi/ Cũng lều cũng chõng cũng đi thi…”. Và tôi cứ nghêu
ngao câu đó đến ngày cùng bè bạn chen chúc tại trường thi dò số ký danh, phòng
thi với nhiều hồi hộp, vui buồn.
Vào trường thi, hạnh phúc cho cô cậu nào được thi tại
ngôi trường mình học. Mà cũng vui khi được ngồi cùng bàn với cả những nữ sinh.
Kiểu này mà bí bài không đáp ứng những ánh mắt e thẹn cầu cứu của nương nương
thì có nước độn thổ cho xong. Cũng thật buồn khi phải ngồi cạnh mấy ông thí
sinh tự do là lính tráng đi thi, không khéo cho mấy đấng quây cóp thì bị phá
hỏng mất bài không chừng. Một mớ kiến thức ngập tràn trong mấy bộ sách giáo
khoa lọc lại chỉ trong từng mấy câu hỏi, bài tập kiểm tra. “Tủ” kê có đúng chỗ
không? Trật “tủ” thì coi như đi đong. Nỗi buồn “ai đem vỏ chuối liệng sân nhà trường” chàng ta cứ ca cẩm mãi. Đó
là cảm tưởng chung của mấy chàng học hành lơ mơ với điệp khúc: “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín/Thi không
ngậm ớt thế mà cay (thơ Trần Tế Xương), và đành thực hiện phương châm: “Hỏng Tú Tài anh đi Trung sỹ/ Em ở nhà lấy
Mỹ nuôi con/ Bao giờ yên phận nước non/ Anh về anh có Mỹ con anh bồng”.
Không như ngày nay chỉ thi một số môn theo lịch thi
của Bộ Giáo Dục qui định từng năm. Thời
ấy, học môn gì thi môn đó. Có học thì có thi kể cả các môn thể dục, nghệ thuật
thi nhiệm ý (Thi đạt thì cọng thêm điểm, không thi thì thôi, không bắt buộc).
Có môn chính hệ số cao, môn phụ hệ số nhỏ. Tôi học ban B chỉ cần Toán, Lý, Hóa
chắc ăn là cầm chắc phần đỗ. Mấy nàng ban A “tụng” hết cuốn Vạn Vật gần nửa
ngàn trang sách thì thế nào cũng chứng được “Sa di”. Mấy cô cậu ban C thì đãng
đênh như triết nhân bất cần đời thế là đúng gu của “thí sinh cập đệ”. Cái buổi chiều
thi môn cuối cùng nhẹ tênh như mây trắng bồng bềnh trên bầu trời xanh màu nước
sông Hương. Ai đó đạp xe vội qua cầu,
dựng một nơi nào đó rồi cùng nhau bát bộ mấy vòng trên phố. Ngang góc đường
Phan Bội Châu, đường Trần Hưng Đạo, hãy ghé mắt nhìn vào tiệm ảnh La Cảnh Lưu
xem mấy dung nhan ghi hình kỷ niệm; lên nữa, liếc mắt vào tiệm sách Tân Hoa
ngắm mấy cô con gái đẹp của ông chủ quán; lên ngang rạp chiếu phim Tân Tân, ghé
lại xem chương trình phim mới. Mùi cà phê rang của tiệm cà phê Phấn, cà phê Lạc
Sơn tỏa khắp phố như một chiêu níu chân người quay đến. Dừng lại, vào nhà sách
Ưng Hạ, giả bộ tìm vài cuốn sách để nhìn chị Ry bán hàng tươi cười, thoăn thoắt
bao sách, trao cho người mua. Đôi tay
nhỏ nhắn, xinh xinh… Nốt ruồi duyên…
Ngày treo bảng kẻ vui người buồn. Người đỗ nhận “chứng
chỉ tốt nghiệp tạm thời” do chủ tịch Hội đồng khảo thí ký cấp để chuẩn bị cho các kỳ thi tiếp theo
vào các trường ngành nghề. Người hỏng lui về lo “cày” tiếp mấy pho sách cho kỳ
hai. Lại cũng còn không khí mùa thi!...Chỉ đến khi nào dứt tiếng ve, phượng đã
nhường cành cho lá non và những trái xanh lủng lẳng, thì các sỹ tử cũng đã yên
bề bến đổ. Cánh cửa Đại học Văn khoa, Khoa học, Luật khoa rộng mở là điểm đến
cho các cô cậu Tú đôi không chen chân được vào các trường chuyên nghiệp để rồi
một hai năm làm kiếp sinh viên hờ trước khi bước tiếp vào ngành nghề hay vào
binh nghiệp.
Những ngày thi, không khí thành phố nhộn nhịp bao
nhiêu thì những ngày cuối hè thoáng đượm bao vẻ chia ly như những con tàu rời
bến. Người đi xa, kẻ vào nghề, người tạm biệt phố phường “xếp áo thư sinh vui bước đăng trình mười tám tròn trăng”, tạm biệt
bạn bè, chia tay tuổi học trò về nơi chốn mới. Ai cũng thấy mình lớn lên thì
cũng thấy được mình đã mất thời tuổi hoa
bướm. Tôi có người bạn thơ ấu cùng ở xóm quê. Sau ngày đình chiến 1954,
NĐĐ.(tên người bạn) mới ra lớp ở trường làng. Lên phố, Đ. học sau tôi mấy lớp.
Năm học Đệ Nhất, thành phố biến động, Đ. bị bắt vào nhà lao. Đ. tự học trong tù
và ngày thi có hai cai tù áp giải ra trường thi. Thế mà Đ. cũng đỗ tốt nghiệp
và tiếp tục…ở tù. Ngày “Tổng tiến công Mậu Thân”, từ nhà lao Đ. được thoát ly
ra rừng. Sau 1975 về lại thành phố, Đ. trở thành cán bộ. Gặp lại tôi, Đ. thường
kể lại những kỷ niệm về mái trường và mùa thi. Con người cách mạng của anh như
mềm hơn với những ký ức sân trường và mùa thi đi ra từ nhà tù. Hạnh phúc cho
ai có một thời hoa bướm đi mãi theo cuộc
đời để một lần nhớ lại, nở trên môi nụ cười tiếc nuối. Bạn ấy giờ đã thành
người tàn phế sau một cơn tai biến mạch máu não. Nhà anh gần trường cũ, thường
ngày anh vẫn ngồi xe lăn nhìn học sinh tung tăng đến lớp. Chắc anh cũng nghĩ
đến ngày xưa, trên con đường này, anh đã cất bước xiềng xích tiến vào trường
thi.
Tất cả đã xa rồi…
(Đã dăng Tập san HNYD 12 - 60
NĂM HÀM NGHI HUẾ
1955 - 2015 NXB. THANH NIÊN)