Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

CÓ MỘT NGÔI TRƯỜNG NHƯ THẾ



                                            (Nhớ về trường Hàm Nghi - Huế)

Ngôi trường điềm đạm giữa ô đất rộng rợp bóng cây xanh, tọa lạc giữa bốn con đường vuông vắn bàn cờ. Tường thành bao quanh, cổ kính rêu mốc màu thời gian, ngăn chia sự tĩnh lặng êm đềm giữa trong ngoài và bốn con đường bao quanh, một sự tĩnh lặng đặc trưng của vùng hoàng thành đế kinh những ngày không còn vua chúa. Bốn cột trụ biểu trước cổng, nhà giảng sách, nhà cư xá giám sinh, bia và những pho tượng đá gợi nhớ một quá khứ xa xưa nào đó, một quá khứ văn hiến với những buổi giảng sách, bình văn. Có cậu giám sinh nào đó nhiều mơ mộng, thả hồn nương cánh bướm chờn vờn theo những chùm hoa mù u trắng trên cao, trong tiết bình thơ đầu xuân lất phất bụi phùn.

Ngôi trường ấy khi tôi học đã có sự đổi thay. Trường không còn các giám sinh, các quan tế tửu, quan tư nghiệp. Chúng tôi, học sinh và các thầy cô giáo, người học và người dạy, thụ hưởng một nền giáo dục mới trong tinh thần tôn sư trọng đạo của chốn thư hương truyền thống. Bây giờ một số thầy đã trở về hư vô, học sinh phần lớn tóc đã bạc trắng. Người còn lại cùng chung một hoài niệm về ngôi trường có nhiều thăng trầm, yểu mệnh.
Nếu Quốc Tử Giám từ Văn Thánh chuyển về năm 1907, đến khi bãi bỏ nền giáo dục Hán học, trường đóng cửa, và thời gian thành lập trường Trung học Hàm Nghi đến khi bị giải thể (1955-1975), thời gian hoạt động giáo dục triển khai tại ngôi trường này chỉ trên dưới 30 năm. Chung cục, cả hai trường đều “bất đắc kỳ tử”.Thế mà với ngôi trường ấy tôi vẫn luôn nhớ về bằng những tình cảm thân thương trìu mến nhất.

Trường tôi học thời ấy có những ông thầy kỳ lạ. Một thầy dạy Pháp văn năm Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) với cách luyện phát âm có một không hai. Học sinh nào cũng bị rơi vào bẫy của thầy khi phát âm “u” trong alphabet tiếng Pháp thành “ou” để bị thầy gõ đầu chọc quê, mua vui cho cả lớp. Mỗi khi ngồi giảng bài thầy hay rung đùi. Một lần, mấy đứa học sinh ngồi bàn đầu cười khúc khích mãi. Thầy gặng hỏi mới biết baguette quần thầy quên cài nút. Thầy nghiêm nghị gọi cả bàn đứng dậy, nói rất nghiêm: “Thầy mở cửa sổ cho mát, cấm nhìn! Chép phạt 100 câu. Mai nộp !”. Rồi thầy cười òa, cả lớp cũng cười òa… Giờ học của thầy rất nghiêm, học sinh không bao giờ có tiếng xì xào. Bỗng một tiếng không đẹp lắm, phát ra rất du dương, bổng trầm, nhịp nhàng như tiếng kèn trompette kéo dài của cậu học sinh nào bụng xấu, chắc sáng nay ăn thứ gì chưa kịp tiêu hóa hết, ấm ức bất bình tắc minh*. Cả lớp ồ lên cười ngặt nghẽo. Thầy đợi một lúc rồi gọi tác giả của cái âm thanh kỳ diệu đó đứng lên. “Tôi không được làm sém ghế nhà trường. Chép phạt 100 câu. Mai nộp!”. Cả lớp lại có một tràng cười khác… Bây giờ thầy không còn nữa. Thầy đã vĩnh viễn ra đi trong một biến cố chiến sự. Những cách ứng xử có vẻ thiếu sư phạm trong hành động nhưng lại rất sư phạm trong việc giải quyết tình huống giáo dục cởi mở, để đời cho học sinh nhớ và thương thầy.

Lớp Đệ Thất năm ấy của tôi còn có một thầy trẻ dạy Văn làm giáo sư hướng dẫn, sáng sáng thầy điểm danh thuộc lòng tên học sinh từ các bạn chữ A đầu tiên đến tên chữ Y cuối cùng, làm học sinh cả lớp cũng thuộc theo. Thầy dạy Hội Họa nói đặc tiếng Quảng “Dzẽa dzẽa gì như con chó bò!”, với yêu cầu ngày nào cũng khám que ngắm của học sinh. Một lần thầy ngồi trên bàn chấm bài, những học sinh đã vẽ xong sớm, mấy cậu xếp hạng thứ ba sau ma quĩ này chui xuống bàn, dám đụng đến “cái của quí ấy” của thầy. Dữ dằn và bốp chát như thầy, chúng cũng không tha. Thế là học sinh cả lớp bị phạt phải đứng im tại chỗ, cười không dám ra hơi để nghe thầy nói một thôi tiếng Quảng.

Năm tôi học Đệ Lục trường tôi có nhiều giáo sư còn trẻ mới ra trường, chuyển về dạy. Lớp tôi có một cô giáo dạy Toán và một thầy giáo dạy Vẽ. Cả đôi xinh như Roméo và Juliette. Sự đời có ngược ngạo thế mà hay. Môn Toán khô khan, trừu tượng phần lớn là ưu thế của phái nam. Môn nghệ thuật tinh tế, nhẹ nhàng phù hợp nhất cho phái nữ. Sở dĩ tôi có suy nghĩ đó lúc bấy giờ là vì cả cô dạy Toán lẫn thầy dạy Vẽ đều còn rất trẻ, rất đẹp và chúng tôi hay ao ước nếu thành một đôi thì đẹp biết bao, cho dù chúng tôi chưa biết gì về tình trạng gia cảnh của thầy cô. Cô dạy Toán có khuôn mặt, dáng điệu và cái nhìn ngước lên rất mignonne.Thầy dạy Vẽ thì hay rụt rè, có phần nhút nhát, nụ cười bẽn lẽn như con gái. Bản thân tôi ngưỡng mộ thầy cô đến độ Toán học không vô, Vẽ thì không bao giờ hoàn thành được bài tập đạt yêu cầu về thời gian và điểm số. Phòng học lớp tôi có nhiều cái cột gỗ, cách dãy phòng lớp Đệ Tứ một cái hiên nhà ngang, có mái che và một nhà để xe cho thầy cô giáo. Những khi cô thầy chuyển tiết, kẻ ra người vào gặp nhau ở hiên hay nhà xe, thì chúng tôi có cơ hội ngắm thần tượng qua khung cửa sổ lớp học. Thầy cười tươi nhưng mặt cứ đỏ lên. Cô thì vẫn liến thoắng, tự tin. Tà áo dài trắng của cô và vạt chemise trắng của thầy sáng lên dưới nắng chiều, bừng cả một góc trường. Mà tôi cũng thường để ý cả thầy dạy Vẽ và cô dạy Toán đều thích trang phục màu trắng hoặc vàng nhạt trẻ trung, lịch sự. Nói ra có vẻ phạm thượng và vô lễ, mong thầy và cô có đọc những dòng này tha thứ cho. Đây là những suy nghĩ và tình cảm thánh thiện đầu đời của tuổi mới lớn về thần tượng của mình.

Năm học Đệ Ngũ, lớp tôi lại có một thầy người Quảng dạy Văn. Thầy nhỏ thó nhưng tính cách cũng rất Quảng. Đệ Ngũ là lớp học chạy, nghĩa là không có một phòng học cố định như các khối lớp khác. Hôm ấy, tiết Văn có thanh tra về dự, lớp tôi được học trong phòng thứ hai dãy Đệ Thất. Học sinh cảm thấy nhột gáy vì nghĩ đến ở dãy bàn cuối, gần mười ánh mắt các quan thanh tra săm soi. Cả lớp im thin thít, chăm chú nhìn thẳng lên bảng đen. Không khí nặng nề. Đến phần giải nghĩa các từ trong bài giảng văn nghị luận, thầy phát vấn “tao đàn” nghĩa là gì? “bi quan” nghĩa là gì? Thường ngày thì cả lớp nhao nhao giơ tay xin phát biểu, nhưng bữa đó không ai dám. Kẹt quá, thầy mới gỡ bí: “Dễ thôi, chắc các em đều đã biết! “Tao đàn” là “tau đờn”. “Bi quan” là viên bi của ông quan… mà không phải quan thanh tra”. Cả lớp cười ồ theo thầy. Không khí lớp học trở lại tự nhiên. Thầy trò tiếp tục tiết học bình thường như các buổi không có thanh tra dự giờ.
Có một thầy dạy lớp tôi năm Đệ Lục môn Lý Hóa nhưng đến Đệ Tứ thì dạy Sử Địa. Môn gì thầy dạy cũng hay. Nhờ thầy, tôi từ một học sinh chán học trở thành giỏi Lý Hóa năm Đệ Lục và say mê Sử Địa cho đến bây giờ. Sau này vào đời, khi trở thành người quản lý giáo dục, trong đợt rà soát bằng cấp để chuyển những giáo viên dạy chéo môn về lại môn được đào tạo, tôi thường phân vân và bị phê bình thiếu dứt khoát. Có tình trạng này, một phần vì do nghiệm lại thành công của thầy tôi xưa kia.
Có một thầy dạy Vạn Vật năm Đệ Tứ tôi không thể nào quên. Thầy là tác giả bộ sách Vạn Vật từ lớp Đệ Thất đến Đệ Tứ. Thầy đến trường bằng ô tô, luôn luôn veston complé. Tiết dạy của thầy thì khỏi phải chê. Vẽ đẹp, nói hay, lưu loát, dẫn dắt bài giảng tuần tự theo từng nét vẽ trên bảng đen và học sinh vẽ theo vào vở. Kiến thức cô đọng, tinh chắc, rõ ràng, học đến đâu, luyện tập thực hành đến đó vì vậy học sinh nhớ cả kiến thức và tranh vẽ minh họa, thuộc bài ngay tại lớp kể cả những bài rất khó nhớ như bài hệ thần kinh. Chỉ là học sinh Đệ Tứ mà chúng tôi đã có kỹ năng thực hành mổ chuột, mổ ếch, mổ cá thành thạo. Dạy như thế mà hầu như là tiết nào thầy cũng có thời gian dành năm bảy phút cuối, kể chuyện cho chúng tôi nghe. Thầy kể chuyện cũng tuyệt vời như giảng bài. Có những chuyện thầy kể nhiều lần theo yêu cầu của học sinh, thế mà nghe vẫn thấy gay cấn, hấp dẫn như mới nghe lần đầu tiên. Đến bây giờ tôi vẫn còn nghe rờn rợn tiếng dép lẹt xẹt, kéo lê bàn chân tàn phế của của một cựu tù binh người Mỹ, duy nhất sống sót trong một lần cùng đồng đội vượt ngục, thoát khỏi trại giam của quân đội Nhật, sau trận thua ở Trân Châu cảng. Mấy năm sau khi chiến tranh kết thúc, một đêm, ông tìm đến đồng đội cũ để hỏi tội người mà ông ta cho là đã phản bội, làm tất cả bạn vượt ngục của ông phải bỏ mạng trước họng súng truy quét của kẻ thù. Tiếng dép lẹt xẹt… lẹt xẹt… khô khốc cứ tiến dần… tiến dần… đến ngôi nhà người phản bội trong một đêm kinh hoàng… Thầy có một thói quen là giảng bài một hồi thì đưa tay trái lên miệng, dùng ngón trỏ và ngón cái chùi vết dãi đọng trắng hai khóe môi. Thầy vui nhưng ít khi cười vì thế học sinh thương thầy mà ít gần.
Có một thầy dạy Toán có trí nhớ tuyệt vời. Sau kỳ thi lục cá nguyệt, bài thi chưa đến tiết trả, gặp thầy ngoài sân, học sinh bu lại hỏi điểm. Thầy trả lời điểm từng học sinh mà không cần hỏi tên từng em, vì thầy không những nhớ điểm mà nhớ cả tên từng học sinh. Một thầy dạy Văn làm giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Tứ để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Thầy có nhiều cách khai thác một tiết học nên học sinh không có nếp rập khuôn khi thâm nhập một bài văn. Đây cũng là phương pháp tạo cảm giác mới mẻ trong từng tiết học. Có những tiết thầy chỉ ngồi đọc cho học sinh chép những bài giảng bình tác phẩm và thầy bảo học sinh có thể vận dụng cấu trúc này để viết những bài luận văn hay các tiểu phẩm phân tích, giảng bình thơ văn. Tôi rất thích những bài này và đọc đi đọc lại nhiều lần. Sau này trở thành một giáo viên dạy Văn, tôi thường vận dụng cách phân tích này. Học sinh tiếp thu dễ dàng và rất thích thú.
Trường tôi học là một trường mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu ra lớp của học sinh tăng mạnh sau khi chiến tranh kết thúc. Đến tôi là khóa thứ ba (hoặc 4 ?) tuyển vào 225 học sinh phân thành 5 lớp Đệ Thất. Lớp tôi là lớp thứ tư thường bị chọc quê là “thất bê bối” (7B4). Phòng học là dãy cư xá 9 phòng của giám sinh xưa, cứ 2 phòng gần nhau thì đập bỏ vách ngăn giữa để ghép thành 4 phòng học, còn dư một phòng nhỏ sau lớp tôi. Phòng học vì thế có 2 cửa vào, cửa trên là cửa chính, cửa dưới, ngang hông dãy bàn học sinh để cho những học sinh hay mơ mộng, lơ đảng như tôi nhìn trời mây, chim chóc, cây cối ngoài sân. Hành lang trước lớp rộng, lại thiết kế cửa vòm nên bên trong lớp thường thiếu ánh sáng. Học sinh sau chiến tranh thì nhiều độ tuổi. Những học sinh gốc gác thành phố chỉ cỡ 11-12 tuổi, nhưng những cu cậu ở nông thôn đã đến 18-19, phải làm mới “chứng chỉ thế vì khai sinh” hạ tuổi để đủ điều kiện vào trường. Thầy dạy thì không đồng bộ, có thầy đã đến tuổi nghỉ hưu, có thầy là quân đội xuất ngũ, có thầy chính ngạch cũng có thầy thỉnh giảng và chắc ngày đó, nếu có một ông bộ trưởng giáo dục như hôm nay, yêu cầu kiểm tra bằng cấp và trình độ đào tạo thì khối thầy phải về vườn. Thế mà ai dám bảo ngôi trường đó không chất lượng bằng những ngôi trường chuẩn, với đội ngũ giáo viên bằng cấp đầy mình như hôm nay. Thế mới biết giá trị thực không phải và cũng chẳng cần tâng bốc, đề cao. Người ta tâng bốc, đề cao chỉ để lấp liếm thực chất còn bất cập của mình.
Trường đó còn nhiều thầy cô trở thành gương sáng tôi mãi noi theo trong suốt quá trình tôi là một thầy giáo. Dấu ấn của ngôi trường và các thầy lên cuộc đời tôi thật sâu đậm. Tôi đã trải qua nhiều trường lớp trong đời sống học đường nhưng nhớ nhiều nhất là ngôi trường Hàm Nghi cổ kính. Có lẽ thời gian theo học ở trường là giai đoạn để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất về đời học trò.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

CÁCH SỬ DỤNG MỘT SỐ TÍNH NĂNG CỦA BLOGSPOT (st)







1/. VÀO BLOG :
_ Vào trang Google, gõ tìm đường link dẫn và blog của mình hay bạn bè. 
Ví dụ: butsref2013.blogspot.com
_  Nhấp vào tên blog vừa hiện ra. Ví dụ: BUTSREF'S BLOG
_ Nhấp vào từ Đăng nhập, điền Email và mật khẩu của mình vào ô cửa sổ hiện ra để chính thức vào nhà, mới có thể đăng bài mới, tải ảnh, tải nhạc, trả lời nhận xét của bạn bè...
2/.  ĐĂNG BÀI MỚI :
_  Nhấp vào từ Đăng bài mới nằm góc phải màn hình, cạnh từ  Thiết kế .
_  Khung chữ nhật to hiện ra, hoặc viết trực tiếp bài vào đó hoặc copy bài có sẵn từ một File nào đó mang sang dán vào. Sau đó chỉnh sửa phông chữ, cỡ chữ, màu sắc cho phù hợp.
_  Ghi chú các ký hiệu:  f phông chữ, tT cỡ chữ,  A  màu chữ. Ta nhấp vào các ký hiệu này để tùy chọn.
_   Ký hiệu nằm sau từ Liên kết  Chèn hình ảnh, ký hiệu kế Chèn hình ảnh  Chèn Nhạc.
_  Sau khi bài viết đã hoàn chỉnh, nhấp vào từ Xuất bản, nhấp tiếp từ Chia sẻ . Cuối cùng nhấp Xem blog.
3/. TẢI ẢNH VÀO BÀI VIẾT:
_  Phải có sẵn ảnh trong My Pictures. Vào Google gõ tìm Google hình ảnh. Nhấp vào từ Google hình ảnh một lần nữa. Sau đó gõ tên hình ảnh muốn tìm ( ví dụ bánh khoái, bánh bột lọc... ) vào ô chữ nhật màu trắng. Nhấp phải vào ảnh ưng ý, một danh sách hiện ra, nhấp trái vào Lưu hình ảnh thành. My Pictures lập tức hiện ra. Nhấp vào từ Save là ảnh sẽ được lưu vào My Pictures.
_  Nhấp vào ký ký hiệu Chèn hình ảnh, nhấp tiếp Chọn Tệp, My Pictures sẽ hiện ra. Sau đó, nhấp tiếp vào ảnh muốn tải lên, nhấp Open. Chờ ảnh tải xong thì nhấp vào từ Thêm  hình ảnh đã chọn. Cuối cùng nhấp phải vào hình để điều chỉnh ảnh lớn nhỏ và vị trí của ảnh.

          



4/. TẢI NHẠC TỪ YOUTUBE MUSIC:
_ Vào Google, gõ tìm Youtube music. Nhấp tiếp vào từ Music Youtube một lần nữa.
_  Gõ tên ca khúc vào ô chữ nhật màu trắng. Chờ các ca khúc hiện ra, nghe trước để chọn một bài ưng ý rồi nhấp vào đó. Nhấp tiếp vào từ Chia sẻ bên dưới Video clip đang phát. Ngay lập tức một link nhạc màu xanh dương hiện ra. Nhấp chuột phải, sau đó nhấp trái từ Sao chép.
_ Trở về bài viết. Nhấp trái vào ký hiệu Chèn video. Nhấp vào dòng chữ Từ Youtube. Một ô chữ nhật hiện ra, nhấp phải và dán link nhạc copy ban nãy vào đó. Nhấp trái vào hình tròn có cán nằm ngay bên phải.
_ Chờ Video clip hiện ra. Nhấp trái vào video. Nhấp Chọn là xong.
_ Nếu không tải được thì làm trở lại, chọn Video clip khác.


                          

5/. TẢI NHẠC TỪ NHẠC CỦA TUI :
_ Vào Google, gõ tìm Nhạc của tui. Nhấp vào từ Nhạc của tui một lần nữa. Chờ ô chữ nhật trắng hiện ra, gõ tên bài hát muốn tìm vào đó.
_ Nhấp vào từ Chia sẻ. Chọn đường link ở giữa nằm sau dòng chữ Copy vào blog, bôi đen và copy link nhạc.
_  Dán vào Word, chỉnh sửa link nhạc dài từ 300 còn 250 và cao từ 308 còn 50 là vừa đẹp, sẽ không hiện ra phần quảng cáo thường thấy ở link Nhạc của tui. Copy link nhạc đã chỉnh sửa mang vào blog để tải lên.
_   Nhấp vào từ HTML nằm phía trên khung dán bài viết mới. Chọn vị trí để dán link nhạc. Dán sau từ br.
_  Dán xong thì nhấp vào từ Viết nằm trước từ HTML là xong.

                         

                                                         


6/. XÓA NHẬN XÉT DO TÁC GIẢ XÓA DỞ VÌ GÕ NHẦM CHỮ, SAI CHÍNH TẢ HAY VIẾT CHƯA RÕ Ý...

         Đôi khi, bạn bè vào blog ghi nhận xét nhưng gõ nhanh bị thiếu chữ, dư chữ, sai chính tả, ý chưa rõ... nên xóa đi để ghi lại. Muốn đẹp blog, ta nhấp vào từ Xóa ở nhận xét xóa dở chừng đó, một trang mới hiện ra, ta nhấp vào từ Xóa vĩnh viễn rồi nhấp OK (Xóa). Nhấp vào đường link có tên của mình, trở về blog sẽ không thấy còn nhận xét xóa dở đó nữa.

7/. KIỂM TRA SPAM (tin nhắn rác):
        Thỉnh thoảng có những nhận xét mà mạng Google cho là rác hay có chứa mã độc sẽ tự động tống vào thùng rác. Ta muốn biết có Spam hay không thì nhấp trái vào Thiết kế, nhấp tiếp Nhận xét, nhấp tiếp Spam . Xem mà không phải là tin rác thì nhấp vào từ Không phải Spam để khôi phục nhận xét đó.
8/. XÓA BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN BLOG :
         Nhấp vào Thiết kế. Nhấp tiếp từ Bài đăng. Một list bài đăng sẽ hiện ra. Muốn xóa bài nào, rà dòng chữ nằm dưới tựa bài viết đó, tìm từ Xóa và nhấp vào đó. Một cửa sổ hiện ra hỏi lại bạn có thật sự muốn xóa bài viết không, ta nhấp vào từ OK để xác nhận. Ngay lập tức bài viết đó sẽ biến mất vĩnh viễn.
9/. THAY ĐỔI MẬT KHẨU:
           Thỉnh thoảng cũng nên thay đổi mật khẩu để đảm bảo an toàn, riêng tư cho blog. Hãy nhấp vào từ Đăng nhập , thay vì điền địa chỉ Email và mật khẩu như mọi khi, ta nhấp vào dòng chữKhông đăng nhập vào tài khoản của mình được nằm ở bên dưới cùng. Sau đó, Google sẽ hỏi bạn lý do, bạn chọn mục đã quên mất mật khẩu, sau đó làm tiếp theo hướng dẫn của Ban quản lý mạng để thiết lập lại mật khẩu mới. 
10/. CHỌN NHÃN CHO BÀI VIẾT:
         Khi viết bài xong, nhấp vào từ Nhãn nằm sau ký hiệu cây bút chì, về phía  bên phải bài viết. Gõ tên đặt nhãn cho bài viết, ví dụ " Kỹ năng sử dụng blogspot" như ở bài viết này. Sau đó nhấp vào từ Hoàn thành ở bên dưới. Những lần sau nếu bài viết cùng nhóm chủ đề, ta không cần ghi lại tên nhãn mà chỉ cần nhấp vào nhãn có sẵn được lưu lại ở mục Nhãn.
11/ KHÁM PHÁ NHỮNG CHỨC NĂNG KHÁC CỦA BLOGSPOT:
        Nhấp vào từ Thiết kế, rồi nhấp tiếp:
_ Thống kê: sẽ hiện ra số lượt khách vào xem blog của bạn trong hiện tại, ngày, tuần , tháng, mọi nơi mọi lúc. Nhưng bạn phải nhấp chọn thời gian chứ bao giờ Google cũng chỉ lưu mốc thời gian cố định là tuần.
_ Lượng đọc giả : sẽ biết có bao nhiêu lượt khách đang sinh sống tại khắp các nước trên thế giới vào xem blog của ban. Nhớ chọn mốc thời gian như ở trên.
_ Nguồn truy nhập : sẽ biết đích xác blogger nào đã vào thăm blog của mình. Mạng Blogspot sẽ lưu dưới hai dạng, theo URL hay Google chung chung. Cũng nhớ chọn mốc thời gian theo trên.
_ Bài đăng: để theo dõi tất cả các bài viết đã tải lên blogspot của mình. trong mỗi bài có bao nhiêu lượt xem bài, bao nhiêu nhận xét.
_ Nhận xét : để xem tất cả các nhận xét được lưu lại. Từ ở đây, ta cũng có thể xóa bỏ vĩnh viễn những nhận xét không vừa ý mà không cần làm giống như ở mục số 6, đỡ mất công lòng vòng qua nhiều thao tác.
                                                     Ngày 19/10/2013

  Ghi chú : Sưu tầm từ blog của Butsref.                                                                             



                                   

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

TƯƠI NHƯ HOA


Thân tặng các bạn Thất B4 – Tứ B4  1958 – 1962
HÀM NGHI HUẾ

“Ta là học sinh Hàm Nghi tươi như hoa”.
Đó là câu hát đầu tiên của  “Hành khúc học sinh Hàm Nghi” mà mỗi sáng thứ hai đầu tuần, học sinh Hàm Nghi hát nghiêm trang dưới sân cờ theo nhịp tay điều khiển của một bạn bắt nhịp. Âm thanh và hình ảnh khó quên!
Người làm ra những thanh âm ấy đã không còn nữa. Xin một phút nghiêng mình tưởng nhớ người nhạc sỹ - nhà giáo đáng kính. Hình ảnh người thầy phương phi; khuôn mặt hiền từ, đôn hậu; nụ cười Di Lặc mỗi khi tiếp xúc với học trò và nhất là dáng người hơi quá khổ so với chiếc xe Zundap thầy cỡi đến trường mỗi sáng, theo mãi với mỗi học sinh như âm giai tha thiết của  điệu nhớ “Ai về sông Tương”.
Nhưng “Tươi như hoa” rồi cũng đến ngày “Tàn giấc mơ hoa”.
Ngôi trường bị bức tử!

Những học sinh “tươi như hoa” mà mỗi sáng ông thầy trẻ Nguyễn Cửu trắng trẻo đẹp trai dạy Văn của lớp Đệ Thất B4 chúng tôi, với giọng bắc ngọt ngào, tuyên sớ từ Nguyễn Xuân An, Lê Ngọc Anh đầu tiên đến Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thận, Nguyễn Văn Thuận, Lê Trai, Đặng Huỳnh Trâm, Lê Văn Túy, Lê Văn Tuyển và…và cuối cùng Nguyễn Văn Uông, Mai Xuân Vinh ai còn ai mất? Người mất thì đã mất rồi. Người còn thì đã mất trường cũ, tụ lại thành một nhúm, cứ tàn dần với niềm hối tiếc trường xưa.
Người ra đi đầu tiên của lớp tôi là Nguyễn Văn Thị. Chắc nhiều người không nhớ đến cậu này vì chỉ học với chúng ta có mấy tháng ở lớp Đệ Thất rồi bị bệnh qua đời. Tôi nhớ kỹ cậu ấy vì bạn ngồi gần tôi, cái bàn ngang hông cửa dưới vào phòng mà có lần tôi và cậu cùng lơ đểnh nhìn ra sân, chăm chú theo đôi chim ăn sâu trên đọt cây me rồi cùng nhau cười khúc khích. Cậu ta là con nhà giàu trên đường Gia Hội, áo quần luôn tươm tất, đi học bằng chiếc xe đạp nhỏ. Cậu ít nói, khó chơi, không tiếp xúc với ai, nét mặt buồn buồn. Tôi lại là con nhà nghèo, ăn mặc tuềnh toàng nhưng sao vẫn có cảm tình với cậu ấy. Khi nghe nói cậu chết rồi tôi thấy buồn và tiếc cho một đời con nhà giàu mà không được hưởng lộc trời cho … dài dài…
Tôi biết một người bạn lớp Thất B4-Tứ B4 khóa 1958-1962 nữa chết sớm là bạn Huỳnh Văn Thảo. Chuyện này là tôi chỉ nghe thôi, chính xác đến đâu thì không dám chắc. Bạn ấy vào trường Võ bị Dalat năm 1965 hay 1966 gì đó. Tôi gặp bạn ấy mỗi chủ nhât xả trại cùng các bạn Nguyễn Ngọc Khoan cùng lớp ở Hàm Nghi và Nguyễn Hữu Huân cùng lớp ở Quốc Học vài lần trên phố Dalat. Bạn ấy chết trong lần đi giữ an ninh trong cuộc bầu cử Tổng Thống độc diễn Nguyễn Văn Thiệu ở một ấp vùng ven Dalat năm 1967. Có đúng thế không? Nếu bạn Nguyễn Ngọc Khoan mà còn thì minh xác lại cho.
Trong lớp tôi ngày ấy có nhiều cặp bạn hay chơi với nhau. Cặp tôi nói đến đầu tiên là Nguyễn Ngọc Khoan và Nguyễn Xuân An. Hai bạn ở đâu đường Lương Y, chợ Xép gì đấy? Mỗi lần tôi đến nhà Nguyễn Thanh Phong, ở trọ nhà người quen bên ngoài chợ Xép để cùng bạn  đến trường thì đôi lần gặp và đi cùng đường với hai bạn ấy. Nguyễn Xuân An thì cũng đã ra đi mang theo nỗi buồn “Tạm biệt Huế”. Cậu sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Ngọc Khoan còn không? Ở mô thì xuất đầu lộ diện với anh em đi! Nguyễn Thanh Phong thì nay đang làm việc tại trường Nguyễn Khuyến TP. Hồ Chí Minh mà cũng không tham gia sinh hoạt với Hàm Nghi. Bạn Lê văn Tạo của tôi ơi, hãy đến đó lôi cho được bạn ấy vào “Hàm Nghi yêu dấu” cùa chúng ta đi!
Có một cặp bạn khá nhộn “không thể nào quên”: Phạm Quang Minh-Nguyễn Văn Hoa. Đúng là hai thằng quậy! Nhớ cặp ấy là nhớ tiếng cười của Hoa. Tiếng cười dòn tan, kéo dài!... Cậu này hình như chỉ vào Hàm Nghi nửa chừng. Những năm Thất - Lục - Ngũ không thấy. Minh và Hoa ngồi bàn đầu, chỉ gọi trêu nhau bằng tên bố. Tôi nhớ tên bố Hoa là Bá còn bố Minh tên gì đây nghe cũng vui vui mà quên rồi. Hoa chơi nhiều mà cũng học giỏi. Đúng là thông minh! Còn Minh thì học gạo. Hai cậu ở đâu dưới Bao Vinh, sáng nào cũng đạp xe ngang đường Đào Duy Từ nhà tôi trong khi tôi cuốc bộ để đến trường. Sau này Hoa vào Kỹ sư Phú Thọ rồi du học Mỹ; Minh thì theo ban A  Quốc Học tụng Vạn Vật để vào trường Y. Thành đạt tuyệt vời cả!
Một nhóm “bè lũ bốn tên” Tuấn, Thận, Thuận và (?) hay đi với nhau từ một nơi xa đến trường. Họ có chung tiếng nói lơ lớ như người miệt dưới. Lớn nhất là Tuấn và nhỏ nhất là Thuận. Đi học cùng nhau, trễ là trễ cả bốn tên, đến - về cả bốn tên cùng đi. Thằng Thuận sau này bị ai “chém” mang cái sẹo dài dưới cằm, bị bọn bất trị Tứ 4 tặng cho cái ních nêm “deux bouches”.
Lê văn Túy, Lê Văn Tuyển tên sát nhau trong sổ từ Thất đến Tứ, cùng đi với nhau, lớn nhỏ khác nhau mà khuôn mặt hao hao giống nhau và đầy mụn, tôi cứ tưởng là anh em. Túy lớn  nhất lớp, tôi nghĩ cậu ấy có thể đã có trên hai mươi cái xuân. Khi nào nói chuyện thì cũng là chuyên gái. Còn Tuyển thì khuôn mặt đờ đận. Sau này thất thế, tàn tàn dập dập, bán mì, cà rem trên phố Huế. Một lần ra Huế, tôi có gặp nhưng không giúp được gì cho cậu ấy. Thấy cũng buồn! Nghe nói giờ cậu ấy chết rồi, không biết có phải không?
Hai bạn Lê Viết Trân và Ngô Kim Luyện ở cuối đường Bạch Đằng, dưới cầu Đông Ba (phố hàng đường cũ). Cả hai đều hiền từ, chăm chỉ nhưng học khó vô. Bạn Luyện ở sâu trong làng Thế Lại Thượng, gần nhà thầy Ngô Kha, ở đó còn có bạn Trần Xuân Lễ, học với tôi mà tôi không nhớ rõ là ở Hàm Nghi hay Quốc Học. Tôi hay về nhà bạn Lễ chơi. Bạn ở với ông bà nội già yếu trong ngôi từ đường họ rộng thênh thang, vườn nhiều cây trái và trồng hoa. Bây giờ ba bạn ấy vẫn còn ở dưới đó (Bây giờ là 10 năm trước tôi gặp).
Bạn Đoàn Lít cao lớn, đẹp trai hình như là dân Viện Bảo Anh. Bạn Huỳnh Kim Chất ở đường Lê Huân, gần chợ Cầu Đất, đến trường bằng xe đạp. Bạn Đặng Ngọc Ninh ở góc đường Tịnh Tâm-Đinh Bộ Lĩnh hát  hay, mặc bảnh và thường được thầy Văn Giảng cho lên đài phát thanh Huế hát cùng bạn Xuân An với cái tên Ngọc Long nghe cải lương quá! Bạn Đặng Huỳnh Trâm ở Bao Vinh, bốn năm làm lớp trưởng giữ sổ điểm lớp, bốn năm luôn xếp vị thứ đứng nhất lớp hàng tháng mà đi thi Trung Học Đệ Nhất cấp không được nhất lớp. Bạn Lê Văn Tạo thì nhỏ con mà nhanh như sóc, năm Đệ Tứ  hình như ngồi gần Nguyễn Phùng ở giữa cửa dưới phía bên trong. (Tôi ngồi giữa cửa dưới phía bên ngoài ông cai, cùng bàn với Huỳnh Văn Thảo). Bạn Ngô Văn Tôn, chừng ở đâu  trong đường Âm Hồn, có cái tên “khêu gợi” hay bị mấy thằng nghịch B4 gắn thêm một tiếng âm lờ có dấu huyền đi theo khiến bạn tức điên lên mà không biết làm gì được. Hai bạn Lê Văn Phước và Lê Đình Phước gần nhau trong sổ mà nhà thì “nghìn trùng xa cách”. Văn Phước ở đâu dưới Bao Vinh còn Hữu Phước (Phước cứt vịt!) ở hẻm sau hồ Thượng Tứ-Tràng Tiền. Một lần về Huế tôi gặp Phước cứt vịt bán hàng trong chợ Đông Ba. Bây giờ hết cứt vịt đến Phước trà sen!
Học sinh cùng lớp nhưng thuộc nhiều giai tầng xã hội. Tôi hay chơi với Lê Trai và Nguyễn Phùng vì cùng cảnh ngộ. Lê Trai ở hẻm sau đường Ngự Viên. Nguyễn Phùng ở đâu trên Cầu Đất. Phùng chỉ giỏi môn Tiếng Pháp. Mà cái giỏi tiếng Pháp của Phùng là thuộc nhiều Vocabulaire. Chữ gì lão ta cũng nhớ. Phải nói Phùng là người có ý chí. Nhà rất nghèo, áo quần, cái nón cối vá chằng vá đụp thế mà cậu không hề có tí mặc cảm và học qua hết ban  C Quốc Học để lên Đại học. Đáng phục! Còn tôi và Lê Trai phải đứt gánh sang ngang nửa chừng. Lê Trai thì nay đã là một ông già nghỉ hưu lụ khụ trên đường Tạ Quang Bửu, gần Hồ Tịnh Tâm. Tháng 8 vừa rồi ra Huế tôi có đến nhà chơi. Nguyễn Phùng ở đâu tôi không biết. Nếu bạn đọc được những dòng này thì điện cho tôi để nói chuyện tếu ngày xưa cho “bui”. Émail và điện thoại của tôi đã có trong danh mục HNYD. Gõ là ra ngay.
Lớp tôi có cái gã Lê Quang Cử mới thật kỳ khôi! Không biết gã  học võ từ ông thầy nào mà đến trường mặt cứ kênh kênh, gặp ai cũng thách đấu. Tôi đã làm fan hâm mộ, “xủ giặc” để gã ấy đấu với Tuấn ở lớp B3 mấy lần tại vườn hoa Ba Viên. Tuấn thì trắng trẻo, cao to. Cử thì lùn tịt, cứ cúi cúi thúc thủ. Cử ra đòn thì không đến mặt Tuấn mà nhận đòn thì trúng đậm quả ngang tai. Mấy lần đấu là mấy lần toe miệng mà vẫn cứ ham. Nhà Cử ở đâu dưới Bao Vinh, có xe đạp đi học thì cũng là loại khá. Mới đây, Cử đọc bài viết của tôi kể về lớp ở  tập san trường Quốc Học bèn điện cho tôi. Cử đi lính mang lon sỹ quan, sau 75 học tập chưa đủ thời gian thuộc hết bài nên nay còn ở Ban Mê Thuộc học tiếp cho thuộc. Cử nói thế và tôi cũng chỉ biết thế thôi!
Tên Quảng thì lớp tôi có đến hai thằng Quảng. Kim Đình Quảng và Nguyễn Tấn Quảng. Quảng “làm sém ghế nhà trường” của thầy Nguyễn Duy Trí tôi đã kể năm ngoái. Xem trong danh bạ “Hàm Nghi Yêu Dấu” thì hình như cậu ấy hiện ở Bình Dương. Còn Nguyễn Tấn Quảng, nhà ở gần cuối đường Lê Huân, trước mặt trường Trần Cao Vân, thì từ “những ngày xưa thân ái” đến giờ tôi không gặp. Cậu ấy tôi nghi là kẻ đã “thám hiểm” (bóp, rờ, đụng, mò…) chim quí của thầy Uyển “dzẽa dzẽa như con chó bò” tôi cũng đã kể năm ngoái vì cậu ấy đã nhanh nhẩu rút khỏi "hiện trường" ngay sau khi “gây án” xong để bọn chúng tôi bị thầy gọi ra từ dưới bục giáo viên, bắt đứng lên bục giảng, đối diện với mấy chục thằng quỷ nghe một thôi tiếng Quảng “mát” cả hai tai. Thỉnh thoảng chúng tôi còn bị thầy lôi ra đẩy mấy vòng trong sân cái của nợ chiếc xe con cóc hay chết máy, không démarreur được của thầy.
Nói chuyện “đứt gánh nửa đường” “lỡ bước sang ngang”  khi “tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng” phải từ giã mái trường thì cần kể đến hai loại. Loại bỏ học vì lý do nào đó và loại “sang ngang” theo trường nghề.
Qua hết năm Đệ Thất thì lớp tôi mất hai tên: Nguyễn Quang Bê và Nguyễn Văn Thành. Nguyễn Quang Bê thì lớn tuổi, mặt đầy mụn nhưng học yếu và nghe đâu nghỉ học để… để đi… đi lấy vợ (???). Nguyễn Văn Thành ở Kim Long thì tôi rất có cảm tình với anh này. Đẹp trai, nhỏ thó nhưng có cái răng khểnh rất mốt, kể chuyện hay, hấp dẫn thường được thầy Cửu gọi lên kể chuyện cho cả lớp nghe. Nghe nói anh này có chuyện gì đó với một cô nàng, trông anh ngày càng xanh xao, đờ đẫn để cuối cùng gia đình cách ly, gởi anh vào tận Sài Gòn. Hơn năm sau anh về Huế có đến trường thăm lại bạn bè trong lớp và nói chuyện khá lâu. Tôi nhớ mãi hôm ấy anh mặc cái áo sơ mi trắng bỏ xõa ngoài quần jean bó sát trông rất điệu. Anh trở lại hồng hào, nhanh nhẹn và hay cười lộ cái răng khểnh ma quái dễ làm chết lòng nhiều em. Năm sau, trong lớp lại mất thêm bóng Lê Ngọc Anh. Anh là người ở quê lên học Hàm Nghi và trọ trong nhà ông thầy già dạy tư cho trẻ con trong xóm sát hồ Tịnh Tâm, từ khu nhà bò Mã Khái ra khu Thú Y. Năm Đệ Thất tôi trọ ở Mã Khái nên hay ra chơi với anh. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Hoàn cảnh anh và tôi khá giống nhau và cuối cùng anh phải bỏ học vì không vượt được hoàn cảnh.
“Sang ngang” theo trường nghề thì ở lớp tôi phải nói sớm nhất là cặp Hoàng Công Hối và Mai Xuân Vinh. Trong lúc bạn bè cùng lớp vào năm học Đệ Tứ thì hai bạn này đậu vào trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Khi tôi thi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp, đi coi bảng ở sân trường thì gặp Vinh và Hối ra nghỉ hè. Trông Vinh tốt mã lắm! Tuy nước da đen ngâm nhưng đã ra vẻ người lớn, cái cười có duyên làm mấy cô đi xem bảng hay liếc nhìn. Hoàng Công Hối thì to cao hẳn ra. Quanh đám học sinh trong sân trường, Hối trội hơn gần cả cái đầu. Qua hết Đệ Tam ở Quốc Học thì có Nguyễn Văn Tuấn và Lê Trai vào trường Cán Sự ở Sài Gòn. Năm Đệ Nhị thì tôi cũng “theo chân…”mấy anh sang ngang một chuyến cuối.
Bạn bè Bê Bối (B4) Hàm Nghi của tôi ai còn ai mất? Bạn cũ xưa đã không nhớ đủ thì “ni răng mà noái” hết được. Lớp Thất 4- Tứ 4 có gần 50 “trự” mà nay ở đâu? Nói đến lớp, bạn và thầy, trong nỗi buồn tiễn thầy Văn Giảng, tôi lại nhớ  một kỷ niệm với thầy. Tôi là  thằng học trò dốt nhạc, không biết đàn, không biết hát mà có một lần được làm chemise môn nhạc. Thế mới lạ chứ! Tiết ấy trả bài thi lục cá nguyệt, vào lớp thầy gọi: “Nguyễn Văn Uông là em nào?” Tôi đứng lên. Thầy nhìn tôi với cái cười hiền nhưng chỉ một nửa. Hai môi thầy mở ra không hết tiếng cười mà cũng không ngậm lại, để hở cả miệng… trông cũng vui! Thầy trao xấp bài cho tôi và tờ giấy làm chemise vì “rừng” đã có “luật” là thằng nào cao điểm nhất môn thi phải được “vinh dự” này. Cả mấy trăm học sinh thầy dạy chắc chưa bao giờ thầy để ý đến tôi. Răng mà qua mặt mấy “cây” siêu nhạc như Ngọc Long, Xuân An được! Nhưng cái đề thi lần ấy thầy có hỏi mấy nốt hòa âm của các game, các quãng chi đó mà theo nhạc lý thì thằng học trò khoái lý luận, tính toán là tôi mò tính ra được. Rứa là được điểm cao! Tôi lui cui làm chemise thì thầy gọi Xuân An lên làm  mấy bài boléro ngọt lịm. Tôi vừa viết vừa lắng nghe. Bây giờ tôi còn nhớ hôm ấy bạn hát bài “Tiếng hát Mường Luông” và “Quán nửa khuya” sao mà hay thế! Tui ít được làm chemise mà sao năm ấy tui có duyên làm mấy lần. Khi nào nói chuyện thầy Hoàng Hữu Tiếu thì tui kể chuyện tui một lần “chó ngáp nhằm ruồi” vượt bạn Trai, bạn Phùng làm chemise môn Pháp Văn mới khoái. Vị chi cũng vì những câu hỏi cắc ké như của ông thầy - nhạc sỹ Văn Giảng mà ra cả.
Thế mà đã hơn 50 năm rồi ấy nhỉ!
Những bạn tôi điểm danh ở đây là theo ký ức nhớ nhớ quên quên của một ông già có gần bảy chục cái xuân xanh lủ khủ lù khù nhưng hoàn toàn là thiện ý mua vui, không có ý gì khác. Bạn nào thấy chột dạ thì tui xin bạn mở rộng lòng từ bi hải hà, hoan hỉ  đại xá cho thằng già thất lễ này. Còn đồng ý thì xin tặng cho một nụ cười ha … ha… thật tươi...thật to. OK nhỉ?

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

THÂN PHẬN CON RÙA



Văn chương dân gian lúc nào cũng là tiếng nói bày tỏ tâm tình, thái độ,… của quần chúng. Ngày xưa, người dân đen thấp cổ bé miệng, ở đâu cũng bị chèn ép, áp bức, phải phục vụ cho bọn ăn trên ngồi trước. Người nghệ sĩ nhân dân đã mượn hình tượng con rùa để nói lên tiếng nói tập thể cảm thông  cho số phận của đại đa số quần chúng trong vòng khổ lụy trần ai:

Cám thương thân phận con rùa

Ở đình đội hạc, lên chùa đội bia.

Con rùa nổi tiếng chậm chạp nhưng vững chắc. Hễ có động là rùa thu đầu hết vào mu, nằm yên như phiến đá bên vệ đường, đánh lừa người qua lại và kẻ thù. Cái mu rùa khum khum như bàn tay lớn úp xuống mặt đường trông đen đủi, trần trụi nhưng rất dễ nhìn khiến nhiều người ưa. Trên cái mu vững chắc ấy,  người ta cho con hạc cắm chân để đầu đội đèn trong chùa cúng Phật hay cho đội bia trước sân đình xưng tụng công đức thánh thần. Nó là con vật bất hạnh nhất  trong bộ  tứ linh Long, Li, Qui, Phụng, được người đời cúng dường chỉ khi dựa hơi, nói đúng ra là tôi tớ cho kẻ khác.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Rùa đã thấy được vai trò và giá trị của mình, không còn để kẻ khác lợi dụng. Kẻ đáng thương không phải là rùa. Rùa đội hạc là niềm hạnh phúc của rùa. Rùa không có hạc cắm chân thì đời rùa không còn là rùa nữa. Vì thế rùa cố giữ riết hạc không để hạc bay đi. Đau khổ không phải là kẻ bị cắm chân mà là về phía người có chân cắm vào mu rùa. Hạc kia đã biết điều đó:

Thương thay con hạc trên chùa

Muốn bay lên cực lạc nhưng  bị cái mu rùa chôn chân.

Thật thế, thời mạt pháp, giá trị đổi thay, vóc dáng thanh tao, chân dài, cánh rộng, quanh năm suốt tháng thấm đẫm câu kinh, tiếng mõ mà hạc cứ chết dí với cái mu rùa, không bay lên được. Hay là hạc không muốn bay sợ phải xa mu rùa? Phải vậy! Miền cực lạc mà không có mu rùa  để hạc chôn chân thì sao gọi là cực lạc được!

Trở lại chuyện con rùa. Gì thì gì đi nữa rùa cũng là con vật khờ dại. Có thân không biết giữ, có của không biết xài rồi cứ óan trách, than thân:

Thương thay thân phận con rùa

Có mu không biết giữ, đem lên đình chùa để hạc cắm chân.

Dại hay không dại đây? Anh khư khư giữ lấy cái mu làm của riêng thì được gì nào? Sinh ra cái mu rùa là để đội bia đá, để cắm chân hạc. Bia đá chê mu rùa, hạc không cần mu rùa nữa thì phỏng mu rùa có tí giá trị nào? Biết thế là hạnh phúc cho rùa lắm lắm! Hạnh phúc là cho. Mà cho cũng là một cách để nhận:

Thân tui đã kiếp làm rùa

Không bia, không hạc lên đình chùa phỏng có ích chi?

Thời nay, chùa chiền nhiều thầy, lắm sãi, hạc không còn linh vì đã có phi thuyền bay cao, bay nhanh hơn; bia không cần nữa vì đã có máy tính lưu giữ số liệu vĩnh cửu, nhẹ nhàng hơn. Rùa trở nên lạc lõng? Không! Vẫn có nhiều thầy gắn bó với câu kinh tiếng mõ nhà chùa chỉ vì không muốn lìa xa chốn tu tập lâu ngày với hình ảnh cái mu rùa đội bia, chôn chân hạc quen thuôc đã ăn sâu vào tâm trí từ những ngày còn bé thơ, trai tráng. Nghĩ thế tôi đã ngộ được câu ca dao “Ba cô đội gạo lên chùa…”

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

ƠI O BÁN CỐM HAI LU



Trước khi đọc chuyện vui này, tui xin nhắc lại: Hai lu đây là hai lu cốm, không phải hai lu của o bán cốm. Xin đừng đẩy xa trí tưởng tượng theo câu ca: “Ơi o bán cốm hai lu. Cho tui xin gởi con cu về cùng…”. Của đáng tội !



Chuyện là như ri:



Vùng quê An Thuận ở hạ lưu sông Bồ, ngòai nghề chính nông nghiệp, người dân nơi đây còn nghề phụ làm bún và làm cốm. Cốm An Thuận khác hẳn cốm Hà Nội. Cốm Hà Nội chế biến từ hạt nếp non còn thơm mùi sữa, có màu xanh lá mạ non. Tui đã thưởng thức cốm Bắc  từng hạt rời hay đã  ép thành bánh, gói trong lá sen. Thơm-dẻo-ngọt ngọt-bùi bùi mùi nếp non! Một lần thưởng thức để nhớ đời về món ngon Hà Nội.

 Cốm An Thụân có hai lọai: Cốm bắp và cốm nếp. Cả hai đều được chế biến từ những hạt bắp nếp và lúa nếp già mẩy hạt. Bắp và nếp được  rang vừa đủ lửa để nở bung. Sau khi sàng sẩy mày trấu sạch sẽ, nguyên liệu được ngào nước đường xên với gừng. Cốm nếp màu trắng, đuợc ép lên khuôn, cắt thành từng miếng hình khối chữ nhật ăn vừa miệng. Cốm bắp màu vàng, được vắt thành từng vắt tròn hình cầu cỡ bằng quả cam lớn. Mỗi buổi sáng, từ An Thuận các o gánh cốm tủa ra các làng xung quanh hay vào Dinh rao bán. Một đặc trưng không lẫn vào đâu được của các o bán cốm là hai đầu quang gióng gánh hai lu cốm tròn bóng nhẫy màu men cánh gián đậm đen.



Cần dài dòng một chút về cái lu để các bạn ngọai đạo mắm ruốc cảm nhận đầy đủ hơn.



Lu là vật gia dụng bằng đất nung phổ biến trong sinh họat gia đình ngày xưa, bên cạnh các đồ dùng bằng tre và gỗ. Họ hàng nhà lu có nhiều lọai. Cái lu mấy o dùng đựng cốm có đáy và miệng nhỏ bằng nhau, giữa phình ra tròn trịa trông rất dễ nhìn. Miệng lu vừa đủ  để  một cánh tay thọc sâu vào lòng lu, được giém bằng một nùi rơm bện chặt cứng. Từ công dụng trong việc bán cốm, lọai lu này mặc nhiên được gọi là lu cốm. Nhà nông ưa dùng  lu cốm để bảo quản giống bắp, đậu, kê, mè… “Chị” lu cốm là lu mành. Lu mành có đáy và miệng rộng hơn, tuy giữa phình to ra phía trên nhiều hơn phía dưới, nhưng dáng vóc nghiêng về hình trụ hơn là hình cầu như của lu cốm. “Chị” của lu mành không còn gọi là lu mà là mái. Mái thường dùng để chứa nước. Lu mành trung gian giữa “chị mái” và “em lu cốm” được dùng tùy theo từng nhà chủ. Chủ nhà đất ruộng nhiều, lu mành  được sử dụng  để cất  giống má như lu cốm. Nhà chủ ít người, lu mành dùng chứa nước  như mái. Cao to hơn mái thì gọi là vại, là chạn. Tui không biết vại, chạn các nhà khác sử dụng như thế nào. Riêng nhà tui, mạ tui góa bụa, mỗi năm làm một hai sào lúa, không đủ thóc để quây thành bồ. Thôi để trong vại, trong chạn cũng được! Đàn em lu cốm thì vô số, nào là chum, ghè, vò, thẩu, hụ, tỉn,… nào là vịm, tìm, âu, chậu, … Họ hàng đất nung trong nhà còn có nồi, niêu, trách, mẻ, om, ấm..., nhiều nữa tui không nhớ hết. Chị em tui có lần tranh  nhau cạo cơm nguội tráng trách cá kho cháy, tráng mãi…tráng mãi, tranh nhau làm bể cái trách đất cũ kỹ, đen xỉn khói tro. Chiều mạ về phải  đổ hô cho con mèo  là thủ phạm.

Trở lại việc mấy o bán cốm, khi còn nhỏ, trông thấy mấy o  bán cốm qua làng, bằng cách nào tui cũng vòi cho được một cục cốm. Làm chi mà được ăn cốm nếp! Thứ đó chỉ dành cho người lớn và trẻ con nhà giàu. Một vắt cốm bắp bẻ chia cho ba chị em cũng đã quá lắm rồi! Ăn hết cốm còn thòm thèm liếm tay cho sạch những vết đường bám sót lại. Lớn lên một chút, tui thuộc các bài hò  của các mạ ru con hát về o bán cốm. Khi là học trò ở Huế, hàng tuần về quê đi ngang qua quê cốm, chuyện nhảm với các bạn vùng quê  cốm, tui mới nghiệm ra  cái tinh nghịch dễ thương của những câu hò:



“Ơi o bán cốm hai lu.

Cho tui xin gởi con cu về cùng.

Cu tui cu ấp, cu bồng.

Chớ bỏ vô lồng mà ốm cu tui”.



Nhắc lại một lần nữa, đây là hai lu cốm. Cấm không được nghĩ là hai lu của o bám cốm…Hi…Hi…



Đừng thấy o bán cốm, tuy đi chân đất nhưng dáng người dong dỏng cao, chắc nịch, tròn trịa, căng đầy sức sống tuổi thanh xuân mà cứ nghĩ đến hai lu của o bán cốm phổng phao dưới lớp vải áo dài đen chân quê mộc mạc ấy. Cái tinh nghịch của  gã trai làng là không gởi cái gì xa vời, nặng nhọc mà chỉ xin gởi con cu. Ở Huế thì ai cũng biết giống chim cu. Có hai lọai chim cu gần gũi với vùng quê ruộng lúa. Đó là cu cườm và cu ngói. Mùa lúa chín, cu từ rừng về ruộng kiếm ăn, sinh sản. Người dân quê nuôi cu cườm vì thích nghe tiếng gáy của chúng. Gã thanh niên mê o bán cốm, lêu lổng suốt ngày với chiếc lồng chim chờ o về để chọc ghẹo. Không  biết thái độ của o thế nào, gã còn sàm sỡ dặn dò  o bán cốm chăm sóc chim không để nó ốm (gầy). Chim mà không được bỏ vô lồng, chỉ nhờ o ấp, o bồng thôi. Quả là khó quá!

Ở nông thôn miền Trung, con trai được gọi tên mụ  là thằng Cu. Cái của quí của đứa con trai trong Nam gọi là con chim thì ở miền Trung gọi là con cu. Nếu hiểu được như thế thì không tài nào o  bán cốm còn mặt mũi để nhìn gã thanh nhiên sàm sỡ, có cách chọc ghẹo trắng trợn, lố bịch ấy. Thế mà bạn tôi, người làng An Thuận còn chua thêm là, mấy lần chọc ghẹo không thành, gã  mua giấy mực viết bài thơ gởi o bán cốm. Ngặt nỗi trình độ văn hóa mới qua lớp bình dân học vụ xóa mù, gã viết sai chính tả chữ độc địa nhất của câu cuối. Rứa mới chết chứ!

Mấy lần tỏ tình bằng nhiều cách không thành, gã kiên trì đeo đẳng. Đường của o bán cốm từ Dinh về An Thuận qua làng Hương Cần. Dọc đường có một bãi tha ma trên trảng rừng đồi. Gã xách lồng chim cu ra ngồi trên lăng đợi mãi, nhưng đâu biết o đã  về đường khác. Gã chờ đến khuya sương lạnh, ngủ thiếp đi một lúc, tỉnh dậy ngộ ra câu hò:



“Con cu làm tổ trên rừng

Ba bữa lúa chín nhớ chừng về ăn

Con cu làm tổ trên lăng

Ơi o bán cốm khuya trăng chưa về”.



Câu hò phảng phất tâm trạng đợi chờ vô vọng, mòn mỏi được dân làng đưa vào các bài hò ru con. Bài hò đến tai o bán cốm gợi nhiều trắc ẩn. Một lần,  trên đường về, o bán cốm  gánh hai lu cốm hết hàng qua nơi gã si tình chờ đợi. Chần chừ một  lúc, o đặt quang gióng bên bờ ruộng, xăm xăm vào lăng, đánh thức gã dậy nói vui hòa giải.



Rứa là hai người đến được với nhau.



Gần hai năm sau, trong làng An Thuận, có một gã đàn ông chiều chiều nựng con trai cưng mấy tháng tuổi  trước hiên nhà, chờ vợ đi chợ xa bán cốm chưa về. Là con nhà thúi hái khó nuôi, thằng con trai phải tập gọi cha là cậu, gọi mẹ là dì như để gian dối với ma quỷ rằng đây chỉ là cháu chắt họ ngọai. Gã nghêu ngao hát ru:



“Cu ky, cu kỹ, cu kỳ

Bắt  về nấu cháo cho dì mi ăn”



Cháo chim cu ngon tuyệt, nhưng tàn nhẫn quá chim cu hí! Tội cũng tại chim cu ngon thịt nên phải mang nghiệp chết thơm trong nồi. Thật đúng là tội nghiệp!



Những chiều nông nhàn, vắng chợ, đôi vợ chồng trẻ ẵm con, đưa võng trước hiên nhà. Hai người cùng nghe tiếng chim cu gáy, nhìn đôi chim cu bay lượn ngòai thinh không.  Anh chồng cầm đưa tao võng nhìn chị vợ hôn yêu vào của quí của con, à ơ ru thằng Cu vào giấc mơ tương lai sáng ngời, chập chờn giấc nồng trong tay mẹ:



“À  ơ….

Con cu bay thấp, liệng cao

Bay qua cửa khuyết,  à  ơ…bay vào cửa khâu”.



Nắng nghiêng hắt bóng hàng cau chồm qua mái tranh, vẽ những đốm dài trên sân như những chiếc lọng đen. Cánh đồng làng ngoài bãi trơ gốc rạ vụ mùa đã gặt xong. Gió nồm nam mát rượi từ sông cái thổi vào xao xác hàng tre, ru hai mẹ con dập dình theo nhịp võng kĩu kịt.



Nhưng… Đó là chuyện của mấy chục năm trước.



Thằng Cu nay đã thành đạt ở một nơi văn minh rất xa, bên kia biển lớn, ở đó không có cửa khuyết, cửa khâu. Cốm An Thuận không cạnh tranh được với mùi vị hiện đại của vô số loại bánh kẹo nhan nhãn trên thị trường, không còn thấy rao bán trên các nẻo đường quê. Gánh cốm hai lu của o bán cốm An Thuận đã chết hẳn trong không gian vật lý và không gian tâm linh nguời xứ Huế. Cu cườm chỉ còn lại vài tiếng gáy dật dờ trong chiếc lồng sơn son của mấy ông già chơi chim cảnh thành phố. Trong quán đặc sản đồng quê, giá trị của chim cu chỉ còn là miếng thịt thơm đắt tiền. Về vùng quê miền Trung, tui vẫn còn nghe các mạ gọi con là Cu Lợi, Cu Tuấn, Cu Phan, Cu Trần, … Những đứa sinh vào thời khó khăn, bao cấp còn  tên Cu Bột, Cu Mì, Cu Bắp… Nhà nhiều con thì Cu Anh, Cu Em, Cu Lớn, Cu Nhỏ… Nhưng  mỗi sáng, mỗi chiều cố lắng nghe tiếng cu cừơm gáy trên đọt cây cao. Ít lắm… Không còn!…Tui vào nhà  người thân là một lão nông tri điền, xin xem vài chiếc lu mành, lu cốm... Chủ nhà trừng mắt nhìn lại. Tui sượng sùng, nổi gai góc từ đầu xuống chân trứơc ánh mắt rê ngược của chủ nhà:

- Ủa! Mi có chạm không đấy! Chi cũng không hỏi mà chỉ hỏi mấy cái đồ đất nung tầm bậy, tầm bạ nớ!… Quăng  hết rồi!... Buổi ni thiếu chi đồ nhôm, đồ nhựa, ai còn dùng  chi đồ làng Độôc Độôc  lu, mái, hụ, ghè…



Thôi rồi! Tui nhỡ…Thì ra có một làng Độôc Độôc nào đó. Ờ!…Ngày trước tôi cũng có lần nghe mạ tui nói làng Độôc Độôc. Tui ngớ ra như trời trồng…Ký ức tôi lại xoay về hai từ “làng Độôc Độôc”